Sự thật về câu chuyện "Sợ xấu hổ với bạn bè, cô gái nói cha bán mía bị tâm thần"


Khoảng một tuần trước, người dùng mạng xã hội tích cực chia sẻ hình ảnh một người đàn ông gầy guộc, nước da rám nắng, gương mặt khắc khổ lấy tay quệt đi dòng nước mắt. Cùng với hình ảnh người đàn ông này đẩy xe mía đi bán trên con đường tấp nập xe cộ.

Người đầu tiên chia sẻ hình ảnh này là một facebook-er tên T.Trần với nội dung: "Mọi người cố gắng cùng chia sẻ để biết được địa chỉ của bác bán mía này nhé. Không cần nhiều, chỉ cần một vài người trong chúng ta biết được bác bán ở đâu, mỗi người đến ủng hộ 1-2 bịch mía cho bác kịp về nhà lúc chập tối, như thế đã đủ từ bi rồi".





Bài viết chia sẻ kèm hình ảnh bác bán mía khóc nức nở giữa đường gây xúc động. Chưa đến 1 ngày, bài viết này đã có hơn 3 nghìn lượt like và 1 nghìn lượt chia sẻ. Mọi người đều mong muốn tìm ra địa chỉ của người đàn ông này để đến giúp đỡ phần nào.K


Một cuộc tìm kiếm nhiệt tình diễn ra trên facebook. Mọi người đã vào phân tích những bức ảnh trong bài chia sẻ. Có người nhìn số điện thoại trên hình và cho rằng đó là mã vùng của tỉnh Lai Châu. Có người bảo người đàn ông này sống ở Thái Lan vì trong một bức ảnh có xuất hiện xe tuk tuk. Nhưng lại có ý kiến không đồng tình vì "người Thái Lan lái xe phía bên trái, nên sẽ dừng xe và đỗ xe phía bên trái đường, còn các chiếc xe ô tô trong hình đỗ bên phải đường, nên không thể là ở Thái Lan được", một facbook-er bình luận.
Tuy nhiên, khi "tung tích" về người đàn ông bán mía này vẫn đang được cộng đồng mạng lùng sục khắp nơi thì lại xuất hiện một câu chuyện khác. Nhiều người dùng mạng xã hội đã tự ý lấy hình ảnh của người đàn ông này và vẽ ra một câu chuyện không có thật với nội dung kể về cuộc hội thoại nghẹn đắng của ông bố bán mía nuôi con, thậm chí trong câu chuyện, người con gái còn nói ông bố là người tâm thần để không phải mất mặt với bạn bè.

Nội dung câu chuyện như sau:



"- Alo

- Cha nghe nè con gái.

- Ông đấy hả? Tự nhiện ông lên trường tìm tui chi vậy? Bạn tui nó cười tui kìa.

- Cha nhớ con. Quá lâu con không về nhà. Cha có gởi tiền cho con rồi đó. Cha nhớ con quá nên đẩy xe mía vừa vừa bán vừa đi bộ lên thăm con, mà bạn con nói con qua nhà bạn trai rồi nên cha đẩy xe về.

- Trời ơi, ông có biết đám bạn tui nó cười vô mặt tui không? Nó nói ông ăn mặc rách rưới lên tìm tôi. Hên là tui nói ông là người bị tâm thần nên tìm bậy bạ.

- Con nói gì vậy hả? Xe mía này nuôi con từ nhỏ đến giờ mà. Ông mếu máo và khóc nấc.

- Thôi mệt quá. Mai mốt đừng tim tui nữa. Tụi tự lo được, ông lo bản thân ông đi.

- Nay con có thiếu tiền không, cha gởi…

Tút tút tút…"








Mọi người xúm vào mắng mỏ cô gái bất hiếu mà không biết rằng câu chuyện này hoàn toàn hư cấu.
Sau khi tìm hiểu nguồn gốc của tất cả những hình ảnh về người đàn ông bán mía này, chúng tôi đã xác định được nơi đăng bài viết đầu tiên về ông là trên trang Sabay News (một trang báo điện tử của Campuchia). Bài viết và đoạn clip quay về ông được đăng trên trang này vào ngày 18/1/2015.

Theo như những thông tin từ trang tin tức này, ông bán mía là người đến từ tỉnh Svay Riêng (một tỉnh phía Đông Nam Campuchia), không có con nên phải một mình mưu sinh bằng nghề bán mía dạo ở thủ đô Phnôm Pênh.








Sau khi hình ảnh và video của ông được đăng, vào giữa tháng 2, một số blogger của Indonesia cũng đăng bài về người đàn ông này trên trang của họ và cho rằng ông là người Indonesia, thường xuất hiện tại các đường phố xung quanh thành phố Bandung, Indonesia. Các blogger lý giải việc ông đã khóc vì "từ sáng đến chiều, không có một vị khách nào dừng lại mua hàng của ông".


Các blogger Indonesia cũng nhận ông bán mía là người nước họ.

Có rất nhiều cuộc tranh cãi diễn ra trên mạng xã hội Việt Nam, người thì tin rằng ông là người Việt và bị con gái... gán bệnh tâm thần, người thì cho rằng ông là người Indonesia, thậm chí có một nhóm bạn trẻ người Việt nói rằng ông là người Việt Nam sang Campuchia được 40 năm và thất lạc con gái nên đã khóc khi người quay clip hỏi chuyện. Tất cả những câu chuyện đó hoàn toàn không có thật.

Bởi trong bài viết cũng như đoạn clip trên, ông lão tâm sự về việc buôn bán cực kì khó khăn, nhất là sau khi khu chợ O'Reussey ở Phnom Penh giải thể. Trước kia ông ấy được phép kinh doanh tại khu chợ này, nhưng sau do giải thể ông phải chở xe mía đi bán và việc này đem lại thu nhập rất ít. Khi chia sẻ với phóng viên của trang Sabay về những khó khăn này, ông đã bật khóc.


Theo những hình ảnh trong đoạn clip, có thể thấy ông đang đẩy xe mía dọc theo đường Preah Monivong Blvd, Phnôm Pênh.







So sánh ảnh cắt ra từ clip và ảnh chụp từ một showroom của hãng xe hơi nổi tiếng, có trụ sở đặt tại địa chỉ 444, #93 Preah Monivong Boulevard, Phnom Penh, Campuchia thì thấy rằng clip chắc chắn không phải được quay ở Indonesia hay Việt Nam.



Trao đổi với bạn gái có tên C.P, người Việt sinh sống ở Campuchia, bạn cũng xác nhận đã từng gặp người đàn ông bán mía trong bức ảnh này khá nhiều lần. "Bác bán mía này là người Campuchia, thường đẩy xe bán khu vực gần nhà mình nên mình thường gặp bác vào mỗi buổi chiều, mình không biết rõ nhà bác ở đâu nhưng thấy bác đẩy xe bán cơ cực nên thỉnh thoảng mình cũng mua ủng hộ bác".





Một câu chuyện hư ảo lan truyền trên mạng khiến người đọc phẫn nộ, mất niềm tin vào tình người nhưng lại là câu chuyện không có thực và người đàn ông không có con cháu đang mưu sinh ở Campuchia lại trở thành nhân vật đáng thương, bị "con gái" nói với bạn bè rằng ông mắc bệnh... tâm thần.




Thế nhưng, dù bác bán mía là người nước nào thì hình ảnh bác lầm lũi đẩy xe mía giữa trời nắng, trong bộ quần áo cũ mèm và lấy tay lau những giọt nước mắt đắng cay cho số phận cũng khiến người xem xúc động. Hình ảnh ấy rất đáng trân trọng dù bác không phải là người Việt Nam. Để gặp các mảnh đời mưu sinh thế này ở những thành phố lớn nước ta thì rất dễ. Nếu chúng ta muốn thực sự giúp đỡ, chia sẻ bớt khổ cực cho những người lao động chấc phác như bác bán mía kia, chúng ta có thể mua ủng hộ cô bán xôi, chú bán vé số, hoặc tặng quà bánh, áo ấm cho những người vô gia cư, những cô, bác lao công ngày đêm quét rác khi mọi người đã chìm trong giấc ngủ.

Những hành động đó, thiết thực hơn việc chúng ta nghĩ ra một câu chuyện để gây sự chú ý trên trang cá nhân, thiết thực hơn việc gõ phím "ném đá" một "cô gái hư cấu" trong câu chuyện của ai đó đã kể ra thật văn vẻ chỉ với mục đích đánh động tình thương của mọi người để... câu view.







Sự thật về câu chuyện "Sợ xấu hổ với bạn bè, cô gái nói cha bán mía bị tâm thần"

0 Response to "Sự thật về câu chuyện "Sợ xấu hổ với bạn bè, cô gái nói cha bán mía bị tâm thần""

Post a Comment

Friends list