Từ việc chế tạo, bay thử nghiệm, được sự đánh giá của cơ quan chức năng rồi rút ra được những ưu, nhược điểm từ chiếc trực thăng thứ nhất, người kỹ sư nông dân Việt Nam, Bùi Hiển (60 tuổi, ngụ TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) lại cho ra đời chiếc thứ hai với nhiều cải tiến đạt tiêu chuẩn cần có.
Chiếc trực thăng thứ hai của kỹ sư Hiển đã được thử nghiệm về công suất động cơ, độ rung, lắc, nhiệt lượng,... Lần này, ông không sử dụng mô hình đồng trục nữa mà làm kiểu trực thăng cánh đơn, hỗ trợ cánh đuôi. Ông cho biết, đã thay đổi vị trí đặt hệ thống làm mát cho động cơ từ phía sau đuôi lên vị trí dưới nghế ngồi của phi công. Việc này nhằm đảm bảo cân bằng trọng lượng, giúp máy bay hoạt động cân bằng và ổn định hơn khi ở trên không.
Ông Hiển chia sẻ, chiếc máy bay đầu tiên ông mất 3 năm trời để chế tạo, nhưng chiếc thứ hai này mất khoảng gần một năm. Kỹ sư đã tính toán rất kỹ các chi tiết của cánh quạt, trọng lượng của máy bay, các vật cản, sức đẩy khi cất cánh... để tránh hiện tượng bị bổ nhào khi bay thử nghiệm. Trực thăng mới này có chiều dài 7,4m, cao 2,4m. Chiều dài cánh quạt chính 6,6 m và chiều dài cánh quạt phía sau 1,1m. Nếu như chiếc máy bay đầu tiên rất nhẹ chỉ 250kg, sử dụng động cơ ô tô 106 mã lực, có khả năng chở thêm 100kg, thì "siêu phẩm" thứ hai của ông nặng 340kg, sử dụng động cơ 171 mã lực, tiêu tốn khoảng 15 lít nhiên liệu mỗi giờ và trọng lượng cất cánh có tải tối đa 500kg..
Động cơ máy bay ông nhập từ Mỹ (đây là loại do Nhật sản xuất, còn được sử dụng cho xe đua F1), công suất gấp đôi công suất máy ca-nô Yamaha của máy bay đầu tiên. Nhiên liệu sử dụng cho trực thăng là xăng A92. Vận tốc tối đa khi bay đạt 200km/h, trần bay dưới 500m và tầm hoạt động liên tục trong 2 giờ khoảng 400km.
Theo ông Hiển, động cơ cũng chỉ là một trong những phần quan trọng của máy bay. Những phần còn lại như cánh quạt, kết cấu khí động học, cân bằng, bộ số, bộ truyền động, bộ não điều khiển… ông phải tự làm, mày mò chế tạo ra và việc này không hề đơn giản. Những chiếc cánh quạt được chế tạo rất tinh xảo bằng inox cao cấp, các bộ phận liên quan đến cánh quạt được ông tận dụng từ máy móc của những thiết bị khác ghép nối.
Hệ thống đèn báo hiệu nhiệt độ động cơ, nhiên liệu, số vòng quay của động cơ khá đơn giản nhưng đầy đủ. Phía trước của chiếc trực thăng mới được trang bị kính chắn gió, chịu lực và tạo hình dáng của một chiếc trực thăng. Khung máy bay được hàn bằng các ống inox rất chắc chắn.
Trưa 26/9, ông Hiển đã cho chiếc trực thăng thứ hai của mình ra trước sân của xưởng cơ khí và cho khởi động máy, cánh quạt. Chiếc trực thăng khởi động rất tốt, cánh quạt quay rất đều, tiếng động cơ nổ giòn, không gặp phải sự cố nào.
Ông Hiển nhận định, các cánh quạt của máy bay hoạt động rất tốt, quay tại chỗ theo đúng tiêu chuẩn chế tạo của mình là 450 vòng/phút. Các cánh quạt quay tại chỗ nhưng không làm mất thăng bằng của chiếc trực thăng đậu trên mặt đất có thể đánh giá được độ chuẩn của máy bay khi bay trên không trung.
Ông Hiển khẳng định sau nhiều lần khởi động thử nghiệm, lần này ông chỉ cần tác động vào cần lái điều chỉnh góc quay của cánh quạt là chiếc trực thăng từ từ bay lên. Để lái chiếc máy bay đồng trục thứ nhất, ông đã phải mất ba tháng nghiên cứu, tập lái ở trong xưởng sản xuất của mình. Còn với chiếc máy bay mới, ông Hiển chỉ mất một tháng là có thể làm quen hoàn toàn.
Ông Hiển cho biết: "Mặc dù rất tự tin vào chiếc trực thăng thứ hai này sau nhiều lần thử nổ máy nhưng tôi đã rút kinh nghiệm từ chiếc trực thăng đầu tiên nên phải chờ cơ quan chức năng cho phép tôi mới cho trực thăng cất cánh".
Khi được hỏi về mục đích chế tạo những chiếc máy bay, ông Hiển chia sẻ: “Mục đích của việc đầu tư trí lực, tiền bạc vào hai chiếc máy bay này không phải vì kinh doanh, mà chỉ đơn giản để mang nó đi thi thố với đời, chứng minh cho thế giới biết là người Việt có thể làm được mọi thứ. Mong muốn chiếc máy bay bay thành công và được ứng dụng vào thực tế như dùng phun thuốc, chữa cháy, vận chuyển... trong tương lai".
Nói về chiếc máy bay thứ nhất (ảnh), ông Hiển phân tích việc chọn lựa động cơ của ca-nô, dù công suất máy cho đủ vòng quay, đủ sức gió nhưng có một khiếm khuyết là máy quá nóng. Với ca-nô còn có nước để làm mát, nhưng khi bay trên trời, sức nóng của máy làm trực thăng không bay được cao và thời gian bay ngắn. Tính đến thời điểm hiện nay, ở Việt Nam chỉ duy nhất trực thăng của kỹ sư Bùi Hiển là bay được, nhấc cao so với mặt đất hơn 1m, thời gian dừng trên không trung từ 10-15 phút.
Điều ông Hiển mong mỏi, các nhà sáng chế nông dân như ông cần được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động. Hiện tại máy bay đã hoàn chỉnh nhưng khó khăn của ông Hiển chính là việc đăng ký và cấp phép thử nghiệm máy bay phiên bản thứ hai. Ông Hiển cho biết đã làm đơn, kế hoạch một cách bài bản để gửi đi nhiều cơ quan quản lý, nhưng câu trả lời vẫn là…chờ đợi.
Siêu phẩm trực thăng "made in Vietnam" sẵn sàng cất cánh
0 Response to "Siêu phẩm trực thăng "made in Vietnam" sẵn sàng cất cánh"
Post a Comment