Giả trúng thưởng để lừa
Theo điều tra ban đầu, tháng 8-2013, thông qua một người bạn, My quen biết Minh và được Minh đưa sang Nam Ninh (Trung Quốc) tham gia một đường dây lừa đảo qua điện thoại của một nhóm người Đài Loan. Nhóm này đã thuê người phát tờ rơi ở Việt Nam với nội dung “công ty điện máy Phát Đạt có chương trình khuyến mãi cào trúng thưởng 500 triệu tiền mặt”, nếu người nào cào trúng thì gọi đến số điện thoại ghi trong tờ rơi. Nhiệm vụ của My là nghe điện thoại, hướng dẫn nộp tiền vào tài khoản do những người Đài Loan chuẩn bị trước.
Do lừa đảo nên khách hàng nào cào cũng trúng, My yêu cầu khách muốn nhận thưởng thì nộp tiền thế chân 5-8 triệu đồng vào tài khoản. Khách nộp tiền xong, My giải thích phần thưởng phải chuyển từ nước ngoài về nên cần mua bảo hiểm tài chính giá 15-30 triệu đồng. Sau khi khách hàng nộp các khoản “phí”, họ được hướng dẫn gọi điện đến số tổng đài của một ngân hàng. Lúc đó, nhóm người Đài Loan đã sử dụng công nghệ cao để cài sẵn băng ghi âm xác nhận là khách hàng có số tiền 500 triệu đồng trong tài khoản của ngân hàng. Tuy nhiên tài khoản này tạm thời bị đóng băng, chưa thể giao dịch, đề nghị khách hàng chuyển tiếp 50-100 triệu đồng để mở đóng băng tài khoản. Nghe vậy, nhiều nạn nhân nộp tiền vào chờ nhận thưởng để rồi bị chiếm đoạt.
My khai việc rút tiền khỏi tài khoản như thế nào thì My không biết. My không được chia tiền mà chỉ được bao ăn ở và trả tiền lương hằng tháng là 300 nhân dân tệ (tương đương 10 triệu đồng).
Trần Trà My và Lưu Tuấn Minh, mắt xích trong đường dây lừa đảo qua điện thoại. Ảnh: LT
Mua thẻ ATM để rút tiền
Cuối tháng 5-2014, theo lệnh của Minh, My từ Trung Quốc về TP Tân An (Long An) nhờ người làm thẻ ATM của các ngân hàng MB, BIDV, ACB… rồi bán lại cho My. Tổng cộng, My đã mua 39 thẻ ATM, sau đó chuyển cho Minh. My khai nhận đồng bọn sử dụng điện thoại di động gọi cho các nạn nhân xưng là công an, viện kiểm sát… để dọa: “Đang liên quan đến một vụ án, số tiền trong tài khoản phải chuyển vào tài khoản của cơ quan công an để kiểm tra nếu không sẽ bị phong tỏa ”. Lo sợ, các nạn nhân chuyển tiền vào một trong số 39 thẻ ATM mà My chuẩn bị trước. Khi đã nhận được tiền, đồng bọn của My chuồn êm, cắt số điện thoại liên lạc.
Trường hợp bà VTTM (ngụ TP Đà Nẵng) nhận được điện thoại một người tự xưng là cán bộ Công an TP.HCM nói bà M. có liên quan đến tội phạm ma túy đang bị điều tra và yêu cầu bà M. chuyển tiền vào tài khoản tên Đỗ Đình Nam (ngụ Gia Lâm, Hà Nội). Bà M. hoảng loạn đã ra ngân hàng nộp vào tài khoản trên 600 triệu đồng. Khi tiền được nộp vào tài khoản, Đỗ Đình Nam liền ra lệnh chuyển tiền qua dịch vụ Internet banking và rút tiền qua thẻ ATM. Tuy nhiên, Nam chỉ rút được 50 triệu đồng, số tiền còn lại Công an TP Đà Nẵng đã phong tỏa kịp thời.
Theo cơ quan điều tra, nhiều nạn nhân khác gửi đơn tố cáo cũng bị lừa đảo với thủ đoạn như trên. Ước tính tổng số thiệt hại hơn 1,4 tỉ đồng. Sau khi bị bắt, My khai khi mua thẻ ATM, My sử dụng điện thoại truy cập vào trang web của các ngân hàng để chuyển các thẻ ATM sử dụng dịch vụ Internet banking rồi đổi mã pin. Việc làm này nhằm ngăn chặn những người đứng tên chủ tài khoản không thể báo mất thẻ và làm thẻ khác sử dụng.
Lập Facebook để lừa
Công an TP Đà Nẵng vừa bắt giữ Lâm Nguyễn Thị Bích Thảo (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Thảo đã lập ra Facebook “Angels House” và đăng tải hình ảnh quần áo sao chép từ Google để rao bán với giá sỉ. Khi trao đổi với người mua, Thảo “nổ” lấy hàng ở Thái Lan về bán. Nếu khách hàng đồng ý mua thì chuyển tiền qua thẻ ATM. Mặc dù đã nhận tiền nhưng Thảo không chuyển hàng như đã hứa. Với thủ đoạn trên, Thảo đã lừa, chiếm đoạt hơn 57 triệu đồng của các nạn nhân mua hàng qua Facebook.
Phá một đường dây lừa qua điện thoại
0 Response to "Phá một đường dây lừa qua điện thoại"
Post a Comment