Trước đó chiều 12-11, một người đã gọi điện tới lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết có một nhóm sinh viên tổ chức thi học kỳ hộ, tối cùng ngày sẽ thi môn Anh văn 3 tại trường.
Sau khi tiếp nhận thông tin, phòng thanh tra - pháp chế - an ninh đã rà soát lịch thi và xác định đúng là 19g tối 12-11 có bốn phòng thi môn Anh văn 3 của 104 sinh viên liên thông. Kế hoạch tổ chức kiểm tra đã được vạch ra.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nơi vừa bắt quả tang 24 người thi hộ - Ảnh: Như Hùng
Quen biết nên thi giúp?
Theo kế hoạch, phòng thanh tra - pháp chế - an ninh trích xuất lý lịch của toàn bộ sinh viên bốn phòng thi này (bao gồm ảnh, địa chỉ, tên cha mẹ...), bên cạnh cán bộ coi thi còn bố trí thêm tám người xuống từng phòng kiểm tra với mục tiêu không bỏ sót sinh viên nào.
Nếu có nghi ngờ về hình ảnh, cán bộ sẽ hỏi thêm hai câu: địa chỉ ở đâu và tên cha mẹ là gì. Gần 19g toàn bộ sinh viên vào phòng thi.
Ông Nguyễn Quốc Bảo - trưởng phòng thanh tra - pháp chế - an ninh - cho biết theo quy định, trong lúc làm bài cán bộ coi thi vẫn được quyền kiểm tra nhân thân của sinh viên.
19g, sinh viên bắt đầu làm bài cũng là lúc tám cán bộ tăng cường xuống các phòng thi để kiểm tra nhân thân từng sinh viên. Kết quả, 24 thí sinh thi hộ đã bị phát hiện. Cán bộ trường lập biên bản đình chỉ thi, thu giữ thẻ sinh viên và yêu cầu người thi hộ làm tường trình.
24 người thi hộ sau đó được đưa về phòng riêng và trường yêu cầu viết tường trình, chụp hình và lăn lấy dấu vân tay. Với những người có giấy tờ tùy thân, trường giữ giấy tờ và cho về. Những người không có giấy tờ tùy thân, trường yêu cầu gọi người nhà lên bảo lãnh.
Riêng hai người cho biết không có giấy tờ tùy thân cũng không có người thân, sau đó đã được một người trong nhóm thi hộ (có giấy tờ) bảo lãnh. 21g30, toàn bộ 24 người thi hộ đã được cho về.
Theo tường trình của một người thi hộ, trường liên lạc với sinh viên đã thuê người này thi hộ thì được biết sinh viên và người thi hộ biết nhau qua Facebook và liên lạc với nhau để thực hiện.
Cũng theo tường trình của người thi hộ, đa số cho biết họ quen biết với sinh viên và chỉ thi hộ giúp, không có thỏa thuận về tiền. Trong khi đó, có vài trường hợp tường trình là có sự thỏa thuận về tiền bạc khi thi hộ, một trường hợp cho biết giá thi hộ là 800.000 đồng. Tuy nhiên họ vẫn chưa nhận tiền.
Công an phường không can thiệp
Theo một cán bộ của trường, ngay sau khi bắt quả tang 24 người thi hộ, trường đã gọi điện cho ông Khôi - đội trưởng đội an ninh Công an Q.7 (TP.HCM) - để trình báo và yêu cầu tiếp nhận vụ việc. Ông Khôi trả lời đây là vấn đề nội bộ, trường xử lý theo quy chế.
Một lúc sau ông Khôi gọi điện lại báo rằng đã xin ý kiến chỉ huy và vì đây không phải là kỳ thi quốc gia nên trường ghi nhận hồ sơ và xử lý theo quy chế của trường.
Trường tiếp tục gọi điện trình báo sự việc với trưởng công an phường Tân Phong - nơi trường trú đóng - và cũng nhận được câu trả lời tương tự, đồng thời công an phường cho biết không thể đưa người xuống trường.
Trường tiếp tục gọi điện cho người phụ trách trường ở PA83 (Phòng an ninh chính trị nội bộ) Công an TP.HCM và được hướng dẫn cách giải quyết khá chi tiết như trường đã làm trong phần nêu ở trên.
Riêng với những người không có giấy tờ tùy thân và thân nhân bảo lãnh, trường tiếp tục liên hệ với PA83 và được hướng dẫn liên hệ với công an phường mời họ đến làm chứng khi ghi biên bản, nhưng công an phường vẫn không đến trường hỗ trợ giải quyết vụ việc.
Một lãnh đạo của trường cho biết nhiều khả năng có đường dây thi hộ trong khi trường không có thẩm quyền giữ người nên đã trình báo với cơ quan công an nơi trường trú đóng. Đây là sự việc thi hộ nghiêm trọng và trường muốn làm tới nơi tới chốn để lật tẩy đường dây này và cảnh báo cho những trường khác.
Ngày 13-11, đại diện PA83 Công an TP.HCM đã đến trường nắm thông tin và tư vấn trường cần chuyển hồ sơ cho Công an Q.7. Chiều 13-11, trường đã cử người đến Công an Q.7 để chuyển hồ sơ và nhờ hỗ trợ.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng luật Giải Phóng (TP.HCM) - cho rằng phường giải quyết như thế là thiếu trách nhiệm. Việc thi hộ như vậy đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do đó việc đầu tiên là công an phường phải có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin ban đầu vụ việc.
Sau đó, nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết thì công an phường chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, vụ việc xảy ra thuộc địa bàn quản lý của mình, công an phường cũng phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khác để giải quyết.
Phường không vô trách nhiệm
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 13-11, Công an phường Tân Phong (Q.7, TP.HCM) xác nhận có nhận được thông tin vụ việc từ Trường ĐH Tôn Đức Thắng vào chiều 12-11 và vụ việc này đã được thông báo cho Đội an ninh công an quận kiểm tra.
“Không phải công an phường từ chối trách nhiệm, tuy nhiên đây chỉ là việc gian lận thi cử của sinh viên trong trường ở kỳ thi kết thúc học phần (môn tiếng Anh) nên việc sinh viên vi phạm quy chế thi của trường thì nhà trường phải xử lý lập biên bản cấm thi đối với các trường hợp sinh viên đó.
Trường hợp nếu là kỳ thi đại học, kỳ thi đầu vào tốt nghiệp hay kỳ thi quốc gia... thì nhà trường không cần nói công an cũng phải vào cuộc, do đó hai việc này khác nhau hoàn toàn” - một lãnh đạo Công an phường Tân Phong nói.
Chúng tôi liên hệ với lãnh đạo đội an ninh Công an Q.7. Vị này nói vụ việc gian lận thi cử xảy ra tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng không thuộc thẩm quyền của đội nên không xử lý.
Chúng tôi cũng đã liên hệ với đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn - trưởng Công an Q.7. Ông Tuấn cho biết chưa nắm thông tin vụ việc và nói: “Bận họp”.
Ông Nguyễn Quốc Bảo:Vụ thi hộ lớn nhất
Thẻ sinh viên của trường làm bằng nhựa có in hình sinh viên và mã vạch. Những người thi hộ đã làm giả thẻ sinh viên giống y hệt, nếu không có thông tin từ trước và tổ chức kiểm tra các thông tin liên quan thì cán bộ coi thi sẽ khó có thể phát hiện đây là thẻ sinh viên giả. Trước giờ thỉnh thoảng cũng có trường hợp thi hộ nhưng đó chỉ là bạn bè “giúp” nhau, đây là vụ thi hộ lớn nhất từ trước tới nay bị phát hiện. Trường sẽ bàn giao toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra, riêng sinh viên trường sẽ xử lý theo quy chế.
Theo quy chế, sinh viên nhờ người thi hộ có thể bị đình chỉ học tập từ sáu tháng trở lên hoặc buộc thôi học. Vì sinh viên nhờ thi hộ học liên thông vào buổi tối, ngày đi làm nên ngày 13-11 trường vẫn chưa triệu tập được sinh viên để làm việc.
Bắt quả tang 24 người thi hộ tại ĐH Tôn Đức Thắng
0 Response to "Bắt quả tang 24 người thi hộ tại ĐH Tôn Đức Thắng"
Post a Comment