Nhà em ở quê, làm nông nghiệp nên cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Chị em em từ nhỏ cũng đều đã phải ra đồng đi cấy, đi gặt, rồi cả cắt cỏ, chăn bò… Ở đây đa phần nhà nào cũng vậy, nhà nào khá hơn thì cũng chỉ là cấy ít lúa hơn, chứ chẳng có nhà nào là thoát được cảnh đồng ruộng cả. Khoảng 10 năm đổ lại đây, ở làng em, người ta bắt đầu đi xuất khẩu lao động nhiều nên tình hình kinh tế có khá hơn.
Vì muốn gia đình khá giả hơn, với lại sau này còn lo cho bọn em học Đại học nữa nên bố mẹ bàn với nhau, quyết định để mẹ đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Lúc mẹ em đi, hàng xóm láng giềng mừng cho nhà em lắm vì từ trước đến giờ, ở làng em, nhà nào có người đi xuất khẩu lao động đều giàu lên, rồi có tiền xây nhà tầng. Trong số những nhà cao tầng bây giờ ở làng em thì 90% là của những nhà đi lao động ở nước ngoài.
Nghĩ đến ngày gia đình khấm khá hơn thì em cũng mừng, nhưng thật ra, em thương mẹ em lắm. Mẹ em đi sang đó là làm ô sin cho nhà người ta, cũng khổ nhục lắm chứ có gì đáng tự hào đâu. Chẳng qua là vì gia đình khó khăn nên mới phải đi làm vậy thôi. Mẹ bảo em, thôi thì cố một vài năm, dành dụm được chút tiền rồi thì sẽ về nhà, làm ở nhà thôi, chữ cũng không đi mãi. Ngày mẹ đi, hai chị em em ôm nhau khóc sướt mướt. Thằng em em còn chạy ra túm vali của mẹ lại, về sau bố phải kéo nó về thì nó mới chịu buông. Mẹ nhìn bọn em thì cũng nước mắt lưng tròng.
Dần dần rồi thì ba bố con em cũng làm quen được với sự vắng mặt của mẹ. Em phải lo việc nhà nhiều hơn, lo thay phần của mẹ. Bố em vẫn đi làm xây như trước nhưng vì lúc có việc lúc không nên tất cả vẫn cứ trông chờ vào những đồng tiền của mẹ gửi về. Mà cũng nhờ thế, chị em em không còn bị chậm học phí như trước, ăn mặc cũng tử tế hơn, mọi chi tiêu trong gia đình được xông xênh hơn một chút… Có điều là, tiền mẹ gửi về được nhiều hay không, tiết kiệm được bao nhiêu thì bố em giữ còn tụi em không được biết điều gì về chuyện đó.
Nếu mọi việc cứ suôn sẻ như vậy thì có lẽ chẳng bao lâu nữa nhà em sẽ trả hết phần nợ vay cho mẹ đi xuất khẩu lao động, rồi sẽ sớm xây được nhà, mẹ em cũng nhanh được về với tụi em hơn. Thế nhưng, oan trái thay, bố em đã dập tắt hết những hi vọng ấy của chị em em.
Từ đầu mùa World Cup năm nay, bố em bắt đầu đổ đốn. Hôm nào bố em cũng đi tụ tập xem bóng ở nhà bạn đến hết đêm, sáng về nhà thì lăn ra ngủ nên cũng chẳng đi làm nữa. Bố không đưa tiền cho em mua thức ăn như mọi lần nữa, phải đợi em nhắc thì bố mới móc túi quần lấy cho em vài đồng lẻ, chỉ đủ để mua rau với đậu. Thằng em em đang quen được ăn ngon, giờ như vậy thì bỏ cơm hoặc ăn rất ít. Thấy thế, bố mắng nó um sùm, làm nó phát khóc ngay trước mâm cơm, có khi bố tức lên thì còn lấy roi vụt nó nữa. Bà nội thương nên từ hôm đó gọi bọn em sang ăn cơm với ông bà.
Rồi không biết từ ai đó, mà cũng nhờ người đó thì nhà em mới biết rằng bố em cá độ bóng đá. Tin đó cũng bắt đầu lan ra cả làng. Người ta bảo bố em thua nhiều lắm, cả trăm triệu chứ không phải ít. Đã thế, hôm trước em còn thấy bố cãi nhau với bà nội. Bà mắng chửi bố em ghê lắm vì đã mang cả sổ đỏ đi cá cược rồi. Hình như vì tiền mẹ gửi về đã mất hết, muốn gỡ gạc lại nên bố em phải mang đất ra cá cược. Nghe vậy thì em sợ lắm. Em chưa biết chắc là bố em đã làm thua mất bao nhiêu tiền, mà có vay tiền của ai để chơi nữa không thì em cũng không biết. Một đứa trẻ như em bây giờ thì biết làm gì đây? Em sợ lắm, nếu bố em thua nữa, người ta đến đuổi chị em em ra khỏi nhà thì phải làm sao. Em thương cả mẹ nữa. Chắc là tiền mẹ gửi về đã bị bố làm mất hết rồi. Em biết làm sao bây giờ?
0 Response to "Bố bất chấp tất cả, mang sổ đỏ đi cá độ bóng đá"
Post a Comment