Cuối cùng thì 3 ngày thi tốt nghiệp cũng kết thúc. Rốt cuộc thì bao nhiêu cố gắng của gia đình tôi để “cứu vớt” cho tương lai cô em gái quý hóa cũng đã thành công cốc. Nhìn những đứa bạn cùng trang lứa với nó đi thi về, có đứa thì hớn hở, có đứa lại mặt mày ủ rũ vì không đạt điểm cao như mong muốn, sợ không được bằng khá, bằng giỏi… mà tôi thấy buồn nẫu cả ruột. Giá kể em gái tôi có thể là một trong những đứa học sinh như vậy, dù nó làm bài không đạt điểm cao đi chăng nữa nhưng chỉ cần nó ngoan ngoãn đến trường thi là tôi cũng mãn nguyện lắm rồi.
Hồi nhỏ, em gái tôi cũng là đứa ngoan ngoãn, dễ thương, dễ bảo. Thế nhưng chẳng hiểu sao, từ năm học lớp 8, nó bắt đầu đổ đốn và trở nên hư hỏng. Lực học của nó giảm dần, rồi trở thành đứa đội sổ. Chưa dừng lại ở đó, nó bắt đầu lập nên những “chiến công hiển hách” ở trường vì những tội danh như bỏ học, có thái độ hỗn láo với giáo viên, kéo bè kéo hội với bọn con trai để đánh bạn… Phải nói rằng, bố mẹ tôi đã xấu hổ như thế nào khi có một đứa con như vậy, nhất là khi nó lại là một đứa con gái. Mỗi lần đi họp phụ huynh về là mỗi lần mẹ tôi than ngắn thở dài, bố thì càu nhàu, rồi bố mẹ bắt đầu cãi nhau, đổ lỗi cho nhau là không biết dạy con…
Là chị gái của nó, lại là con cả trong nhà, tôi cảm thấy mình cũng có trách nhiệm rất lớn trong chuyện này. Nhìn bố mẹ như vậy, tôi vừa thương, vừa buồn. Tôi đã tìm cách khuyên bảo em gái mình. Nhưng không, nó không hề tiếp thu bất cứ điều gì mà tôi nói. Không những thế, nó còn cãi lại tôi bằng những lời lẽ rất hỗn xược. Thậm chí, có lần, khi tôi tức giận, trong lúc nói chuyện với nó, tôi đã không thể kiềm chế được bản thân nên đã nói nó hơi nặng lời, nó đã đứng lên tát thẳng vào mặt tôi – chị gái nó, rồi bỏ đi trước sự bất ngờ, sững sờ của tôi.
Ngày hôm ấy, bị chính đứa em gái của mình tát chỉ vì muốn dạy bảo nó trở thành người tốt, tôi cảm thấy buồn và chán nản vô cùng. Nói cho đúng, tôi còn cảm thấy mình có một chút sự uất hận và bất lực vì không biết làm gì. Tôi không nói chuyện này cho bố mẹ biết nhưng kể từ lúc đó, tôi quyết định sẽ không thể nhẹ tay với nó nữa. Trước đó, bố mẹ tôi vì bất đắc dĩ, không thể nói được nó nữa nên đã phải dùng đến roi vọt để răn dạy. Mỗi lần như thế, tôi luôn là người can ngăn, xin bố mẹ không đánh nó nữa. Tôi muốn dùng lời lẽ để khuyên bảo nó. Nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy điều ấy chẳng còn tác dụng nữa nên sẽ mặc kệ nó. Và nếu nó còn tiếp tục hư hỏng, chính tôi cũng sẽ đưa ra hình phạt đối với nó.
Lúc tức thì nghĩ vậy, nhưng thật sự tôi không có đủ can đảm để làm những việc như cầm gậy đánh vào người nó. Dù lúc nó bị bố mẹ đánh, có khi còn bị nhốt lại trong nhà, tôi cố tỏ ra nghiêm khắc, không “cứu” nó như mọi lần nữa nhưng thật lòng tôi cũng thương nó vô cùng. Giá như nó biết nghe lời hơn một chút thì đâu bị khổ như thế.
Lên cấp 3, nó chỉ đủ điều kiện để học ở một trường bán công (trường dân lập). Vẫn chứng nào tật nấy, con em tôi lại tiếp tục trốn học, theo bạn đi chơi, đàn đúm với lũ bạn xấu… Nó không nghĩ cho bản thân đã đành, nhưng tôi không thể hiểu nổi tại sao nó không hề có một chút gì nghĩ cho bố mẹ. Có một đứa con như nó, bố mẹ tôi bây giờ cũng chẳng khác nào “đeo mo vào mặt” rồi. Nó khiến cho gia đình tôi xấu hổ với họ hàng, làng xóm và biết bao người xung quanh nữa. Nhiều lần, nó đánh con nhà người ta bị thương, có khi còn xé áo một đứa con gái trong trường, khiến đứa đó không dám đi học nữa…, bố mẹ tôi đều phải đến nhà họ để xin lỗi.
Càng ngày, nó “bôi gio trát trấu” vào mặt bố mẹ càng nhiều. Trong khi nhà người ta, bố mẹ mong con cái phải học hành giỏi giang, thành đạt thì nhà tôi chỉ mong một điều đơn giản là em gái tôi nó đừng phá phách nữa. Vậy mà điều này sao có vẻ khó khăn quá.
Sau hôm nó tổng kết cấp 3, cả nhà tôi đã có một cuộc nói chuyện rất nghiêm túc với nó. Bố mẹ tôi đã phân tích cho nó rất rõ về tương lai sắp tới của nó, rằng nó không còn là đứa trẻ con nữa, sắp đến tuổi trưởng thành và nên nghĩ cho bản thân mình. Một điều vô cùng bất ngờ, nằm ngoài suy nghĩ của tôi, đó là bố mẹ đã xin lỗi vì trước giờ dùng roi vọt để dạy nó. Bố mẹ bảo rằng bây giờ sẽ không bao giờ đánh nó nữa vì nó đã lớn rồi, cần tự chịu trách nhiệm với mọi việc mà nó làm và bố mẹ sẽ không can thiệp nữa…
Cả bố mẹ, cả tôi, chúng tôi đã nói với nó rất nhiều điều, phân tích ra đủ mọi chuyện, cái nào tốt, cái nào xấu, cái gì sai, cái gì đúng, cái gì nên làm, cái gì không nên làm… Lúc ấy, tôi thấy nó cúi gằm mặt xuống, lắng nghe. Tuy sau đó nó không nói gì, cũng chẳng hứa hẹn gì nhưng không hiểu sao thái độ của nó khiến tôi có niềm tin rằng nó sẽ thay đổi.
Cũng từ hôm ấy, tôi đối xử với nó rất nhẹ nhàng và nó có vẻ ngoan ngoãn, lễ phép hơn với tôi. Điều ấy khiến tôi rất mừng. Ngày đầu tiên nó đi thi tốt nghiệp, tôi định sẽ đưa nó đi thi nhưng nó vẫn cười nói vui vẻ, bảo nó tự đi được. Nhìn điệu bộ nó thế, tôi cũng vui vui, nghĩ là từ giờ nó đã chín chắn và biết tự lập hơn.
Thế nhưng, mọi chuyện lại nằm ngoài những suy nghĩ của tôi và bố mẹ. Trong khi cả nhà đều yên tâm rằng nó đã ngoan ngoãn đi thi, thì nó lại bỏ đi chơi với bạn trai cả ngày hôm ấy. Chính hôm thi đầu tiên, tối muộn mà không thấy nó về nhà nên tôi kiếm mấy đứa bạn của nó hỏi thì mới biết nó bỏ thi. Cảm giác của tôi lúc đó uất nghẹn vô cùng, vừa vì tức, vừa vì mình đã đặt niềm tin nhầm chỗ. Gần 12 giờ đêm, nó về nhà với thái độ dửng dưng. Nó biết là cả nhà đã biết chuyện nó bỏ thi, nó còn bảo rằng đằng nào cũng bỏ thi 2 môn rồi, giờ có thi cũng vô ích. Bố mẹ và tôi không nói thêm được câu nào, mà cũng chẳng muốn nói gì nữa. Dù sao mọi chuyện cũng xảy ra rồi, còn chúng tôi thì cũng chẳng có cách nào để giải quyết chuyện này.
Nhiều lúc, tôi chỉ muốn vứt bỏ, không muốn có đứa em gái như vậy nữa, nhưng thật lòng, một khi đã là “giọt máu đào” thì chẳng ai nỡ làm vậy cả. Là chị gái, tôi thấy mình cũng thật có lỗi khi không thể làm gì để có thể thay đổi em gái mình. Các bạn bảo tôi phải làm sao đây? Chẳng lẽ đành bất lực với nó sao?
0 Response to "Em gái tôi bỏ thi tốt nghiệp để đi chơi với bạn trai"
Post a Comment