Hùng hiện tại không vợ con, không nghề nghiệp, đầu đã hai thứ tóc. Mỗi khi nhắc đến đứa con trai, bà Nguyệt chỉ biết khóc và nói tất cả là do chính bản thân mình kiếp trước đã gây ra, để giờ con cái gánh hậu quả.
Người đàn bà bất hạnh
Những năm 80 của thế kỷ trước, lãnh đạo "tập đoàn" tội phạm, Năm Cam "hô mưa gọi gió" trong giới tội phạm Sài Gòn. Khi đã ở vào vị trí ông trùm trong giới tội phạm, Năm Cam cho vợ lớn, vợ bé và bồ nhí hưởng "lộc" đề huề nhưng riêng với bà Mai Thị Nguyệt – người vợ không hôn thú với ông trùm sòng bạc - vẫn lẻ loi sống cảnh đói nghèo. Khép lại cuộc đời về Năm Cam, một ông trùm cờ bạc xuất thân, trở thành hoàng đế không ngai của thế giới ngầm Sài Gòn, cũng không có ít điều trăn trở, đọng lại từ suy nghĩ của một con người. Bà Nguyệt bảo, ông Năm (Năm Cam) - một tính cách được hình thành từ những cuộc tranh giành thanh toán giữa giang hồ với giang hồ, xuất phát từ quyền lợi vô hạn của các hoạt động phi pháp.
Trương Văn Hùng thời trẻ - nỗi lo lớn nhất của bà Nguyệt.
Theo lời bà, Năm Cam cũng như bất kỳ một người bình thường nào trong xã hội, đều muốn gia đình sung túc, con cháu thành đạt và bản thân hưởng an nhàn buổi xế chiều. Nhưng với cá tính được hình thành từ môi trường vẩn đục, y không xem trọng ai trừ những người thân của mình. Với ông trùm này, chỉ có y và người thân mới xứng đáng được hưởng hạnh phúc, được xem là con người. Còn lại, tất cả đều là phương tiện, là chỗ để y lợi dụng, chà đạp hoặc triệt tiêu tuỳ hoàn cảnh, tuỳ cơ hội. Kẻ lưu manh, sớm va chạm giữa trường đời, lọc lõi trong thế giới đầy cám dỗ, tội lỗi đã phải trả giá bằng bản án nghiêm minh trước pháp luật.
10 năm sau ngày Năm Cam đã vùi sâu dưới lớp đất, cỏ úa rêu phủ nhưng ký ức về những chuỗi ngày ngắn ngủi gắn bó với ông trùm vẫn in đậm trong tâm trí bà Nguyệt. Dù thời gian có dần lãng quên những ký ức đau đớn nhưng mỗi khi gợi lại nỗi đau thời trẻ dại, khi nhắc về Năm Cam, bà không giấu giếm những cảm xúc trái ngược. Bà bảo: "Hận bao nhiêu thì lại thương bấy nhiêu. Hận vì ông sống không để phúc cho con cháu, thương vì lúc chết, tất cả tiền tài gây dựng thành “của thiên trả địa”, xuống mồ phải mang áo tù, vô cùng thê thảm".
Người đàn bà ở tuổi xế chiều, với bao nhiêu căn bệnh hoành hành, sống dựa vào nghề coi bói cho khách thập phương khi kể về Năm Cam, đôi mắt mọng nước như chực chờ rơi. Bà bảo, năm tháng thanh xuân cho đến lúc cuối đời, lương tâm bà luôn cắn rứt. Tuổi trẻ lỡ dở với cuộc hôn nhân không hôn thú, bà đã phải chôn vùi trong tội lỗi với năm tháng sống ngoài vòng pháp luật, cầm đầu băng cướp. Đến khi tuổi xế chiều, bà lại đau đớn với Trương Văn Hùng - đứa con trai duy nhất sinh cho Năm Cam.
Bà thừa nhận, chính cuộc hôn nhân ấy đã lấy đi của bà quá nhiều và nhận về một vết nhơ khó rửa: vợ của một kẻ giết người. Tủi phận vì điều đó, sau này bà không dám đi lại với anh em họ hàng vì sợ liên lụy đến mọi người. Bà chỉ có Hùng là con. Từ bé tới lớn, Hùng sinh hư hỏng một phần cũng do ngày xưa bà nông nổi, không quan tâm chăm sóc chu đáo. Khi bà nhận ra sai lầm thì Hùng đã thành kẻ lưu manh, thù hận mẹ mấy chục năm trời. Tuy nhiên, con bỏ mẹ chứ đời nào mẹ bỏ con. Mọi bước đi của Hùng bà đều dõi theo, ngày ngày cầu trời khấn Phật để con đừng mắc thêm sai lầm. Đến khi Hùng được tha tù thì bà đã đưa về sống cùng.
Bất lực chứng kiến con rơi vào tội lỗi
Bà kể: "Khi nó về ở cùng, tôi gần như giam mình trong nhà để canh chừng không cho đám bạn xấu đến rủ rê, quấy rầy nó. Sợ nó tụng kinh một mình không chuyên tâm, tôi lại ngồi tụng kinh niệm Phật cùng. Con ăn chay, tôi ăn chay theo, con thích ăn gì tôi cũng chiều, sẵn sàng làm tất cả mọi việc để cho con không khí gia đình, tạo cho nó có cảm giác được yêu thương, đùm bọc chở che. Tôi luôn nói với nó, đừng để tâm quá nhiều đến những gì người ta nói, quên đi quá khứ và hãy nghĩ đến tương lai tốt đẹp hơn. Cho dù, con có hận mẹ cũng không trách móc, mẹ vẫn luôn yêu thương, chờ ngày con quay về".
Hơn một năm song hành cùng con, thấy Hùng thay đổi tốt lên từng ngày, chưa bao giờ bà kỳ vọng đến thế. Niềm hi vọng lớn bao nhiêu thì sự đau đớn, thất vọng lại nhiều bấy nhiêu. "Tháng 11/2013, tôi về quê, đặng có lời thưa với trụ trì trước khi gửi nó vào chùa. Thế nhưng, chỉ một tháng không có tôi quản lý, nó (tức Hùng) đã hút hít lại”, bà nói. Khi hay tin con tái nghiện, bà đau lắm nhưng vẫn có bấu víu, cố hi vọng đó chỉ là những lời đồn đại. Nhưng khi thấy con gật đầu xác nhận nghiện lại, mọi điều như lâu đài trên cát đổ sụp trước cơn sóng biển. Không kìm được sự tức giận, bà đã hét lên và đuổi con ra khỏi nhà. Hùng bỏ đi từ đó đến nay không dám về.
Phóng viên đã từng có lần gặp Hùng trước đó trong căn nhà hai mẹ con đang sinh sống tại đường Tôn Đản (quận 4, TP.HCM). Trên căn gác chật hẹp, không đủ kê nổi chiếc giường là nơi đặt bàn thờ của Năm Cam, bàn thờ ông địa, chiếc quạt và vài đồ lặt vặt. Căn gác lửng hầm hập nóng là nơi mỗi sáng- chiều, Hùng vẫn chọn để làm chốn tu thiền, ăn chay niệm Phật. Dịp ấy, Hùng nói rất nhiều về cuộc đời ngang dọc của một kẻ sớm bươn trải giữa trường đời mưu sinh. Khi trên đầu đã điểm hai thứ tóc, Hùng mới ngộ ra chân lý hướng thiện. Anh bảo, tuy muộn màng nhưng quãng đời còn lại nương nhờ chốn Phật pháp sẽ giúp tâm hồn anh thanh thản. Hùng cũng đã từng hy vọng, với đức tin vào Phật, anh sẽ ngày ngày cầu nguyện để linh hồn cha được siêu thoát, rũ bỏ mọi tội lỗi mà tiền kiếp ông đã trót vướng vào.
Ngồi lẳng lặng nhìn nghe chuyện về cuộc đời Hùng, tôi từng tin anh đã vượt qua được những cám dỗ đời thường, chấp nhận rũ bỏ hết mọi danh vọng phồn hoa, tiền tài, quyền lực tội phạm… Nghĩa là lúc đó, anh đã xác định được con đường đi đúng đắn. Vậy nhưng, khi bà Nguyệt nói về đứa con trai vào tù ra tội lại tái nghiện khiến chúng tôi hụt hẫng. "Thằng Hùng nó bị nghiện lại rồi, tôi mới đuổi nó ra khỏi nhà. Nó bỏ đi cũng chẳng thèm đoái hoài quay trở về…". Nói chưa hết câu, bà Nguyệt đã thở dài thườn thượt.
Trước khi kết thúc loạt bài về người đàn bà từng gắn bó đầu tiên với Năm Cam từ thuở 15 tuổi, qua trao đổi điện thoại, hỏi về nguyện vọng lúc cuối đời, bà Nguyệt nấn ná: "Tôi chết cũng được rồi nhưng chỉ tiếc còn thằng Hùng nữa. Khi giận thì mình chửi, mắng nó té tát, đuổi ra khỏi nhà nhưng nghĩ lại thấy thương. Dẫu rằng nó là kẻ vào tù ra tội nhưng máu mủ dù có ghét bỏ cũng không thể nào từ nhau được. Mai mốt nó về nhà, tôi sẽ tìm cách lựa lời khuyên bảo nó. Nếu mai đây tấm thân già này chết đi, không biết ai sẽ chăm lo cho Hùng…!".
Câu nói bỏ lửng của bà giống như đúc kết về số phận của những ai trót lỡ vướng lưới tình với Năm Cam. Bởi, ngoài bà Nguyệt phải sống cô đơn, lẻ loi một mình suốt mấy chục năm trời ra thì sau này, những bóng hồng khác vây quanh ông trùm sòng bạc đều rơi vào bĩ cực.
0 Response to "Người đàn bà lầm lỡ nói về đứa con "bất trị" của Năm Cam"
Post a Comment