Tương ứng với việc ra đề thi “mở”, năm nay Bộ GDĐT đã không có đáp án chi tiết cho các môn xã hội, thay vào đó là các hướng dẫn chấm thi khá linh hoạt, trao “quyền” quyết định lớn vào cảm nhận, kinh nghiệm và kiến thức của cán bộ chấm thi. Điều này đã khiến nhiều giáo viên gặp áp lực.
Cô Nguyễn Thị Yến – một cán bộ chấm thi môn văn tại Yên Khánh (Ninh Bình) cho biết: “Năm nay không có khung chấm chi tiết cho từng ý nên việc chấm thi cũng áp lực hơn rất nhiều. Đôi khi, cảm nhận của người này không giống của người khác nên đã gây ra tranh cãi. Nhất là đối với những bài thi mang tính sáng tạo”.
Cô Yến phân tích, ví dụ ở câu 3 là một câu hỏi mở bày tỏ thái độ của học sinh với vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Với câu hỏi này, học sinh có thể tự do bày tỏ quan điểm của mình. Đại đa số các em đều tỏ thái độ phê phán hành động xâm phạm chủ quyền, có những em nói khá gay gắt... Ở câu hỏi này, một bài được đánh giá cao ngoài bày tỏ nhiệt tình của tuổi trẻ với đất nước còn cần thể hiện một thái độ chín chắn, bản lĩnh, trách nhiệm của bản thân…
Tương tự, ở hướng dẫn chấm thi môn địa lý, Bộ GDĐT cũng yêu cầu cán bộ chấm thi cần linh hoạt trong quá trình chấm, khuyến khích những bài làm có nội dung sáng tạo. Thầy Trần Việt Hùng – giáo viên địa lý tại một trung tâm GDTX của tỉnh Thái Bình cho rằng: “Ở câu II, ý 1 yêu cầu thí sinh lý giải tại sao cần bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ.
Đây là câu hỏi mở, trong hướng dẫn Bộ chỉ yêu cầu thí sinh nêu được ý: Dù nhỏ nhưng là lãnh thổ thiêng liêng, có ý nghĩa trong việc bảo vệ an ninh, phát triển kinh tế. Thực tế có những bài thi, thí sinh không triển khai đủ các ý này, nhưng đi phân tích sâu một ý làm bật lên nội dung. Nhiều giám khảo cho rằng như thế chưa đủ, người khác thì lại nói lập luận đã chặt chẽ”.
“Việc chấm bài một cách linh hoạt khá khó, linh hoạt đến mức nào? Cho điểm ra sao? Điều này khiến không ít giám khảo phải cân nhắc khi hạ bút. Có bài thi, cả tổ chấm phải ngồi thảo luận mãi mới thống nhất được điểm” – thầy Hùng nói.
Không “đếm ý ăn điểm”
Theo ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT): “Mục đích ra đề theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống nhằm phát huy năng lực của học sinh, tạo điều kiện để các em có cơ hội thực hành thể hiện quan điểm bằng văn bản. Chỉ cần trình bày được quan điểm, chính kiến, cảm xúc cá nhân, không trái với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức, pháp luật đều được đánh giá cho điểm”.
Với cách làm này, Bộ cũng khuyến khích và chấp nhận các đáp án khác nhau, không còn kiểu “đếm ý ăn điểm” một cách dễ dàng như trước.
Cô Hoàng Thị Đặng - giáo viên Trường THPT Vùng cao Việt Bắc cho rằng, học sinh vùng núi việc tiếp cận, cập nhật các thông tin thời sự không thể bằng học sinh thành phố, vì vậy việc chấm thi cũng cần linh hoạt theo hướng chỉ cần các em trình bày được tư tưởng của mình, lòng yêu nước, tinh thần biển đảo… là có thể có điểm.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trinh, đây là cách rèn luyện cho giáo viên làm quen với hướng đổi mới, từ cách tư duy độc lập trong việc chấm thi, giáo viên sẽ có hướng thay đổi cách dạy học để tiếp cận phương pháp thi mới.
Ông Trinh cũng cho biết, Bộ đã có chỉ đạo những năm đầu chỉ đòi hỏi ở mức độ thấp, sẽ nâng cao dần ở những năm tiếp theo phù hợp với quá trình dạy và học. Để kiểm soát chất lượng, đối với các môn tự luận Bộ cũng yêu cầu các hội đồng thi phải tổ chức chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi mỗi môn để phát hiện xử lý các vấn đề phát sinh. Ngoài ra, lãnh đạo các hội đồng chấm thi phải lựa chọn ngẫu nhiên một số bài nghi vấn để giao cho tổ chấm kiểm tra trước khi chốt kết quả.
0 Response to "Tốt nghiệp THPT: Điểm số các môn xã hội sẽ dựa vào... cảm nhận"
Post a Comment