Phật Thánh thiếu gì vàng bạc, người dân cứ cúng làm gì?


Đến hẹn lại lên, những ngày đầu xuân năm mới, nhà nhà nô nức đi trảy hội kèm theo đó là sắm sửa đủ thứ để dâng lên Phật, Thánh.


Theo Thượng tọa Thích Quảng Tùng, đi lễ đầu năm là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe bình an. Theo Phật giáo nhân dịp đầu năm được nghỉ ngơi, phật tử đến chùa để học hỏi, noi gương đức Phật, tu tập trí tuệ để giác ngộ. Tuy nhiên, thời buổi kinh tế thị trường cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chùa chiền.


Mâm cao cỗ đầy xin gì được nấy?


“Văn hóa đi chùa không được thuần túy như xưa là thành tâm sửa biện hương hoa dâng cúng mà nó xô bồ hơn. Nhiều người đến chùa với tâm trạng khác nhau, nhiều mục đích khác nhau, người cầu mong buôn may bán đắt, cầu người kia gặp hạn để mình thế chân, ngồi vào ghế của họ, học hành thông minh sáng láng, học ít mà lại hiểu nhiều,…Những chuyện như thế chẳng Phật, Thánh nào giúp cho được”, Thượng tọa Thích Quảng Tùng nói.



Mâm cao cố đầy dâng Phật không làm cho mình nhiều lộc nhiều tiền hơn người khác


Theo thầy Tùng, Phật giáo dạy rằng mình muốn giàu sang phú quý thì phải làm phúc bố thí, suốt ngày keo kiệt bo bo thì làm sao quý quý được. Thế nhưng dân gian thì mỗi người với mỗi trình độ khác nhau thì hiểu biết về điều này cũng khác nhau nên mới có chuyện có những người chi quá nhiều tiền vào việc sắm lễ để dâng lên chùa. “Có nhiều người tin rằng, sắm nhiều thứ dâng cũng Phật, Thánh là Phật, Thánh sẽ chứng cho tấm lòng của mình, rồi khấn khấn vái vái xin Phật, Thánh đủ thứ nhưng rồi cũng không được như ý mình thì lại tỏ ra không tin vào đức Phật nữa. Đây gọi là những người tín ngưỡng theo tình cảm”, thầy Tùng nói.


Với quan điểm của nhà Phật, những dịp đầu năm, những người tín ngưỡng theo lý trí thường muốn đi lễ chùa để tĩnh tâm, vãn cảnh chùa chiền, thăm thầy thăm sư, lòng thành tôn kính là chính.


Dân gian cũng tin rằng, làm lễ dâng sao giải hạn vào đầu năm vào ngày rằm tháng giêng là tốt nhất vì mọi tai ách, mọi sự xui xẻo ta phải giải trừ nó ngay từ đầu năm thì suốt cả năm con người đều yên tâm, vui vẻ và hạnh phúc.


Giải sao….chẳng giải quyết được gì


Trong thực tế việc lễ dâng sao giải hạn ngày càng phát triển và nhiều người lợi dụng phong tục này để trục lợi, bày vẽ nhiều lễ nghi sa hoa lãng phí, đặc biệt là mê tín làm sai lệch phong tục này.


“Tôi phải nói ngay rằng, việc đốt vàng mã, dâng sao giải hạn thì với Phật giáo là không có chuyện đó. Đức Phật thiếu gì vàng bạc, nhưng họ đã rũ bỏ tất cả để đến với chân tu, người dân cứ mang vàng bạc của Phật giáo là Thất thánh tài. Phải lấy lòng tin vững chắc là của quí; lấy giới luật thanh tịnh làm của báu; cung kính tùy thuận người có đức hạnh là tài của; biết sợ quả báo của tội lỗi, biết xấu hổ; lấy việc nghe nhiều lời thuyết pháp, sự hiểu rộng làm tài của; xem bố thí là tài của riêng; Trí huệ là tài của. Đấy mới là vàng bạc của đức Phật chứ không phải là vàng thế gian đang lầm tưởng để dâng lên Đức Phật”, Thượng tọa nói.



Đốt vàng mã không làm cho tâm mình an, trong người bình an thì cầu mới bình an được


Thượng tọa Thích Quảng Tùng cho rằng, với tâm lý tin rằng “tốt lễ dễ kêu”, vào dịp đầu năm hay rằm tháng bảy, để tỏ lòng tri ân đối với những người đã khuất, nhiều người thường đốt vàng mã nhưng Phật giáo không khuyến khích điều này. “Bố mẹ chúng ta còn sống thì tết đến xuân về cô lì xì mừng tuổi ông bà lấy may. Bố mẹ chúng ta mất đi thì hàng năm cúng bái, tết đến cũng có chút quà gửi ông bà gọi là bày tỏ tấm lòng. Nhưng thành tâm là chính, cái gì quá cũng đều không tốt đâu. Đốt nhà lầu xe hơi, hàng triệu, hàng chục triệu tiền vàng mã là vô cùng lãng phí, mang tiền này đi làm từ thiện lại tốt hơn rất nhiều”, Thượng tọa Thích Quảng Tùng cho biết.


Thượng tọa Thích Quảng Tùng cũng khẳng định rằng, trong Phật giáo không có chuyện làm lễ giải hạn đầu năm, nó thuộc một tôn giáo khác. “Theo tôi, làm lễ giải hạn cắt sao đầu năm không được cái gì cả. Mình muốn tránh xấu, tránh ác thì mình phải làm việc thiện. Phật giáo tin rằng, tụng kinh niệm phật, tâm thanh tịnh là tránh được ác. Tuy nhiên, một số vị sư bây giờ chiêu theo phật tử cũng tổ chức lễ giải sao cho họ nên đã làm sai đường hướng của Phật giáo. Chùa của tôi (Chùa Côn Sơn Kiếp Bạc- PV) từ xưa tới nay đầu năm không tổ chức giải sao, chém sao cho ai bao giờ, chỉ có tụng kinh niệm phật. Giải sao không giải quyết được gì”, Thượng Tọa nói.


Đốt vàng mã không làm tâm mình an: Đại đức Thích Thanh Lịch, Ủy viên bạn Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh, trụ trì chùa Đống Phúc (Quảng Yên, Quảng Ninh)


Ngày Lễ, Tết, nhà chùa hướng dẫn cho khách thập phương, phật tử trong vùng nghi thức đi lễ chùa, nghi thức cúng Phật, mỗi người tùy theo tâm của mình làm một việc nhỏ nhất trong chùa cũng là phát tâm công đức. Không phân biệt tuổi tác, đẳng cấp trong xã hội, ai về với chùa cũng được các nhà sư đón tiếp hoan hỷ, tạo được sự gần gũi giữa đạo và đời.


Đạo Phật tin răng “Cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp”, cứ làm việc thiện đi rồi tâm mình an. Đốt nhiều vàng mã, đốt hình nhân thế mạng không làm tâm mình an.


Tốt lễ dễ xin là hoàn toàn không đúng: Đại đức Thích Tâm Kiên (trụ trì chùa Một Cột, Hà Nội)


Người dân đi lễ bây giờ không biết phân biệt đâu là đền, đâu là chùa và phủ để có cách hành lễ cho phù hợp. Đi chùa lễ theo đạo Phật, đi phủ lễ mẫu, sang bên Quán Thánh là lễ ông Trấn Vũ. Đây là 3 màu sắc tôn giáo khác nhau.


Đừng nghĩ rằng khi đi chùa phải "tốt lễ dễ van" để cầu được nhiều tài lộc. Điều đó hoàn toàn không đúng.


Phật không cần mâm cao cỗ đầy, chỉ cần tâm thành của những người đến lễ. Vì thế nên mọi người chỉ cần bông hoa, chén nước vào dâng lễ là đủ. Vào chùa mọi người thấy sự lắng đọng và sự bình an.


Nhưng không phải mình làm cái ác mà vào cầu xin sự bình an được. Trong người bình an thì cầu mới bình an. Phật là hướng đạo sư chỉ cho con người ta con đường đi, chứ không phải làm cái ô để che chở cho mọi người.





Phật Thánh thiếu gì vàng bạc, người dân cứ cúng làm gì?

0 Response to "Phật Thánh thiếu gì vàng bạc, người dân cứ cúng làm gì?"

Post a Comment

Friends list