Thời oanh liệt nay còn đâu
Trở lại một vài năm trước, chẳng ai nghĩ sẽ có lúc người Anh thất thế như hiện nay. Nói đâu xa, trong 3 mùa kể từ 2006/07 đến hết mùa 2008/09, Premier League đã đóng góp tới 11 trong số 24 đại diện ở tứ kết. Trước nữa, tính từ chức vô địch của Liverpool ở Istanbul năm 2005, xứ sở Sương mù có 8 trong tổng số 20 đại diện lọt vào tới trận chung kết.
Mùa 2006/07, Liverpool, Chelsea và M.U cùng nhau vào đến vòng bán kết. Một năm sau, bộ ba này lặp lại thành tích tương tự, để rồi làm nên trận chung kết toàn Anh khi M.U đánh bại Chelsea sau loạt đá luân lưu trong tiết trời lạnh giá Moscow.
Chelsea và Man Utd là "đầu tàu" trong giai đoạn hưng thịnh của xứ sở Sương mùa tại Champions League
Mùa 2008/09, M.U hạ Arsenal tại tứ kết, còn Barca nhọc nhằn vượt qua Chelsea nhờ luật bàn thắng sân khách. Kể từ đây, đà suy thoái của nền bóng đá Anh tại đấu trường danh giá nhất châu Âu bắt đầu.
Ngôi á quân của M.U năm 2011, chức vô địch của Chelsea năm 2012 và một suất trong top 4 đội mạnh nhất của thầy trò Jose Mourinho mùa trước không đủ để thay đổi một thực tế là thời hoàng kim tại Champions League của người Anh đã chấm dứt. Giờ đây, Tây Ban Nha mới là quốc gia thống trị giải đấu này, với 3 đại diện đã giành quyền vào tứ kết trong 2 năm liên tiếp gồm: Barca, Real Madrid và Atletico Madrid.
Các đại diện của Tây Ban Nha đang làm mưa làm gió ở Champions League trong những mùa giải gần đây
Trong khi Premier League ngày càng giàu có thêm, bằng chứng là bản hợp đồng truyền hình trị giá 5,1 tỉ bảng được kí hồi đầu năm nay, nhưng tiền bạc không thể đảm bảo cho thành công của các CLB Anh tại đấu trường châu lục.
Nếu như Chelsea vào tới bán kết 1 năm trước, thì M.U bị đánh bại từ tứ kết, còn Man City và Arsenal thậm chí còn từ giã cuộc chơi ngay tại vòng 16 đội, giống như mùa giải năm nay. Mùa 2012/13 còn tệ hơn. M.U và Arsenal bị loại từ vòng 1/8, còn Chelsea và Man City còn chẳng qua nổi vòng đấu bảng.
Đã tới lúc tính tới kỳ nghỉ Đông
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sa sút của Premier League tại châu Âu, nhưng việc không có kì nghỉ Đông được xem là nguyên nhân quan trọng nhất. Mới đây, 3 nhà quản lý tâm huyết với người Anh gồm Alex Ferguson, Arsene Wenger và Jose Mourinho đều lên tiếng phản đối vì cách làm bóng đá của FA (LĐBĐ Anh).
Đề cập đến câu chuyện, HLV Manuel Pellegrini đã tỏ ra bức xúc: “Tháng 12 và tháng 1 là giai đoạn đầy rẫy khó khăn bởi lịch thi đấu quá dày. Hậu quả là bạn bước vào giai đoạn quan trọng của mùa giải với tình trạng không tốt, điều sẽ không xảy ra với các đội bóng nước ngoài nhờ có kì nghỉ Đông”.
“Bóng đá Anh đang tạo điều kiện cho các giải VĐQG khác. Có những truyền thống bạn không thể nào thay đổi, tôi biết điều đó. Như vòng đấu của ngày Lễ Tặng Quà chẳng hạn. Nhưng chơi tới 9 trận trong tháng 12 và 9 trận trong tháng 1 là điều bất khả thi. Cần phải có biện pháp nào đó”.
Man City tiếp tục bị loại ở vòng knock-out đầu tiên
Pellegrini không sai. Số trận đấu và cường độ thi đấu ở Anh khiến cho không cầu thủ nào trải qua được 2 “tháng tử thần” mà còn giữ được thể trạng nguyên vẹn. Giai đoạn liền sau đó lại là thời điểm Premier League đi vào chặng khốc liệt nhất của cuộc đua vô địch, trong khi các CLB lớn cũng không muốn vuột mất FA Cup và Cúp Liên đoàn, bởi họ sợ cảnh tay trắng.
Cần nhớ rằng PSG đã không phải chơi một trận chính thức nào kể từ ngày 21/12 tới ngày 4/1 trước khi họ loại Chelsea. Trong khi cùng khoảng thời gian đó, The Bleus đã phải gặp lần lượt Stoke City, West Ham, Southampton, Tottenham và Watford. Giống như thế là cặp đấu Monaco-Arsenal. Nếu như đại diện của Ligue 1 được nghỉ ngơi hoàn toàn từ sau trận thắng Metz ngày 20/12 cho tới ngày 4/1, thì Arsenal phải gặp hết Liverpool, QPR, West Ham, Southampton rồi tới Hull City.
Chelsea thua ngược PSG ở những phút quyết định của trận đấu - phải chăng đó là hệ quả của việc thể lực bị bào mòn?
Tương tự, Man City phải chạm trán Crystal Palace, West Brom, Burnley, Sunderland và Sheffield Wednesday trong giai đoạn mà Messi và các đồng đội được nghỉ ngơi, đón năm mới bên người thân. Kết quả là thầy trò HLV Enrique quay trở lại sau kỳ nghỉ với liên tiếp những thắng hoành tráng, ngược lại, Man City ngày càng tỏ ra yếu đuối và thiếu ổn định.
Với người Anh, kỳ nghỉ Giáng Sinh của người Anh không thể thiếu bóng đá, bởi nó đã trở thành một món gia vị truyền thống. Nhưng sẽ chẳng thành vấn đề có nếu 1, 2 tuần nghỉ ngơi trong tháng 1. Ngoài ra, việc loại bỏ thủ tục đá lại các trận FA Cup cũng sẽ mang tới nhiều khía cạnh tích cực.
Tất nhiên, giai đoạn từ 2006-2009, nước Anh cũng chưa bao giờ có kì nghỉ Đông. Nhưng các đại diện Premier League vẫn thành công, bởi tốc độ và cường độ thi đấu ở giải VĐQG nước này không khắc nghiệt như hiện tại, những toan tính ở 2 lượt đấu cúp châu Âu cũng không quá nặng nề như bây giờ.
Người Anh đang dần đánh mất đi tiếng nói tại các cúp châu Âu
Mới đây, Owen Hargreaves, một cựu cầu thủ từng khoác áo Bayern Munich và M.U, chia sẻ quan điểm trên Sport rằng: “Nếu chúng tôi vượt qua được 20 hoặc 30 phút đầu tiên, chúng tôi sẽ có cơ giành chiến thắng, bởi các CLB Anh có xu hướng dồn lên tấn công ngay từ đầu. Chúng tôi biết rằng nếu có thể giữ tỉ số 0-0 sau giai đoạn đầu thì có thể chiến thắng. Ở Premier League, chiến thuật đó có tác dụng, nhưng ở châu Âu, các đội bóng rất xuất sắc, rất giỏi trong khâu cầm bóng”.
Không có lời giải thích chính xác hay cách làm nào chắc chắn làm tăng cơ hội tiến sâu tại cúp châu Âu cho người Anh, nhưng việc giảm tải cho các CLB ở giai đoạn nghỉ Đông sẽ là một biện pháp đáng được cân nhắc.
Vì sao bóng đá Anh thảm bại tại Champions League?
0 Response to "Vì sao bóng đá Anh thảm bại tại Champions League?"
Post a Comment