Nhu cầu di chuyển bằng du thuyền tại TP.HCM ngày càng lớn nên từ năm 2006 đến nay, khá nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh loại hình dịch vụ xa xỉ này. Họ cho thuê du thuyền từ bình thường đến siêu sang. Khách thuê phần lớn là chạy trên sông Sài Gòn và vùng biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ), vùng biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, cá nhân còn thuê du thuyền để tổ chức sự kiện, gặp gỡ đối tác; công ty du lịch đưa khách tham quan và cả dịch vụ chụp ảnh cưới, rước dâu... Theo người đại diện của các công ty cung cấp, lượng khách hàng của họ chủ yếu là các doanh nhân, Việt kiều, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam và du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch.
Chiếc du thuyền Azimut 70, có giá 4 triệu USD hiện đang neo đậu tạm bợ tại khu vực Bến Nhà Rồng.
Điều đáng ngạc nhiên là TP.HCM hiện có khoảng 10 công ty chuyên kinh doanh du thuyền với hàng chục du thuyền đang hoạt động, nhưng lại không có bến bãi. Các du thuyền sang trọng nhưng phải neo đậu hết sức tạm bợ, tốn kém khá lớn khâu vận hành và cũng rất bất tiện cho cả khách sử dụng dịch vụ.
Một bến neo đậu du thuyền hết sức tạm bợ tại quận 2, du thuyền đậu xen với ca nô, thuyền nhỏ, xà lan... và hiện bến này hoạt động nhưng vẫn không có giấy phép.
Đại diện công ty chuyên cho thuê và bảo trì du thuyền Sông Xanh cho biết, trước thực trạng khó khăn về bến đậu du thuyền, công ty đã mua một lô đất ven sông tại phường Phước Kiểng, Nhà Bè làm bến tạm, công ty cũng đang cố gắng xin giấy phép lập bến neo đậu và bảo dưỡng du thuyền, nhưng còn vướng mắc thủ tục hành chính nên chưa dám đầu tư thành một bến với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Do vậy mà nhiều chiếc du thuyền của công ty, trong đó có chiếc giá trị đến 1 triệu USD hiện vẫn neo đậu trong bến tạm này. Thậm chí khu vực này còn chưa có điện, toàn bộ nguồn điện trong việc vận hành phải trông chờ vào những tấm pin mặt trời.
Du thuyền triệu đô đang phải nép mình ở những bến bãi nghèo nàn, tạm bợ ven sông.
Còn theo ông Tăng Thành Trung, giám đốc công ty Du thuyền Việt Nam, hiện nay, TP.HCM chưa có bến neo đậu du thuyền đạt chuẩn. Vì thế 2 năm nay, công ty ông phải neo chiếc Diamond Island ở một bến tạm nhưng với chi phí hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Thêm vào đó, nhân sự chuyên nghiệp có khả năng vận hành du thuyền rất khan hiếm và khó tuyển, mỗi tháng chi phí bến bãi, lương thuyền viên và những sửa chữa nhỏ cũng ngốn hết 120 triệu đồng. Đó là chưa kể mức thuế đánh vào du thuyền ở Việt Nam vẫn cao, 10% thuế nhập khẩu và 30% thuế tiêu thụ đặc biệt. Như vậy, giá mỗi chiếc du thuyền về Việt Nam đội lên gần một nửa, trong khi tài sản hàng tỷ đồng phải chấp nhận neo đậu ở nơi tạm bợ, thiếu an toàn.
Bến du thuyền tạm của công ty du lịch Sông Xanh, tại phường Phước Kiểng, Nhà Bè.
Trước thực trạng này, các công ty kinh doanh dịch vụ cũng đã lên nhiều phương án xây dựng bến bãi dành cho du thuyền neo đậu và bảo dưỡng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bến du thuyền nào đưa vào hoạt động.
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong điều kiện đường bộ ngày càng quá tải, việc khai thác vận tải bằng đường thủy cá nhân và công cộng sẽ được khuyến khích, nhằm chia sẻ áp lực với đường bộ. Việc đầu tư bến du thuyền là rất cần thiết, vì ngoài việc phục vụ cho neo đậu những phương tiện hạng sang này còn là nơi phục vụ cho mục đích công cộng như ca nô buýt vào đưa, rước hành khách.
Ngay cả cầu cảng phục vụ cho việc lên xuống của hành khách cũng được làm tạm bợ từ cừ tràm.
Từ năm 2011, chủ đầu tư dự án khu dân cư phức hợp Sài Gòn Pearl (công ty cổ phần tập đoàn SSG) đã có văn bản xin phép các cơ quan chức năng đầu tư xây dựng bến du thuyền, quy mô cho 130 ca nô và du thuyền neo đậu. Vị trí xây dựng nằm tiếp giáp giữa dự án và tuyến sông Sài Gòn thuộc quận Bình Thạnh. Nhưng hiện sở Giao thông vận tải mới cơ bản chấp thuận chủ trương cho đơn vị này xây dựng bến du thuyền ở dự án Sài Gòn Pearl.
Du thuyền sang trọng lấp ló sau những hàng dừa nước.
Cũng vì vậy mà trong thời gian chờ đầu tư bến bãi hiện đại, những du thuyền đang hoạt động tại TP.HCM sẽ được "ký gửi" một cách tạm bợ tại các bờ sông, kênh rạch, rất không an toàn cho việc neo đậu của những tài sản tiền tỷ, cũng như khâu bảo dưỡng, vận hành.
0 Response to "Du thuyền tiền tỷ đậu bờ sông, kênh rạch Sài Gòn"
Post a Comment