Ẩn họa treo trên đầu người dân Sài Gòn

Nhiều thành phố lớn của nước ta đang có tốc độ đô thị hóa cao, nhiều công trình cao tầng liên tục được xây dựng. Trong xây dựng các công trình cao tầng, một thiết bị chuyên dụng không thể thiếu là cần cẩu.

Anh Nguyễn Hoàng Nam, một chủ thầu xây dựng tại khu dân cư Him Lam (quận 7, TP HCM), cho biết: “Không ai có thể vác nổi xi măng, cát, thép từ tầng 1 lên tầng 20 được. Chỉ có cần cẩu mới làm được việc đó mà thôi”. Chính vì vậy, những tòa nhà mọc cao đến đâu, những “cánh tay thép” sẽ vươn lên đến đó.


Với đặc thù riêng, cùng với kích thước rất lớn, cồng kềnh và thường được lắp đặt trên cao, cần cẩu xây dựng là thiết bị kĩ thuật đòi hỏi những yêu cầu rất cao và nghiêm ngặt về lắp đặt, vận hành để có thể đảm bảo an toàn. Thế nhưng, một số vụ tai nạn liên quan đến cầu cẩu xây dựng xảy ra thời gian vừa qua, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân, đã cho thấy những nguy hiểm tiềm tàng của thiết bị có kích thước khổng lồ này.


Mới đây nhất, cuối năm 2013, một vụ gãy đổ cần cẩu xây dựng xảy ra ngay tại quận 1 tại trung tâm TP HCM đã khiến người dân hoảng sợ. Trước đó, nhiều vụ cần cẩu xây dựng sập, gãy đổ cũng đã xảy ra tại nhiều công trình xây dựng trên cả nước, trong đó có Sài Gòn. Có thể kể đến vụ việc xảy ra năm 2011 tại công trình thi công dự án Khu tái định cư - công viên cây xanh - thể dục thể thao ở phường 12, quận Bình Thạnh khi một cần cẩu bị sập làm chết 1 người và 1 người bị thương nặng...


Ẩn họa treo trên đầu người dân Sài Gòn 1

Nhiều khu vực xây dựng có sử dụng cần cẩu chỉ được che chắn sơ sài để ngăn cách với đường sá, khu dân cư xung quanh.


Ẩn họa treo trên đầu người dân Sài Gòn 2


Anh Nguyễn Hoàng Nam cho biết thêm: “Với hầu hết các công trình lớn thì vấn đề an toàn luôn được chú trọng. Vì vậy trang thiết bị, trong đó có cần cẩu, đều được mọi người kiểm tra kĩ lưỡng để tránh gây tai nạn đáng tiếc. Còn đối với những công trình nhỏ thì ít lắm. Ở những công trình nhỏ, hoặc nhà thầu có bảo hiểm, thiết bị an toàn nhưng công nhân không thèm để ý đến hoặc nhà thầu quên hẳn luôn".


Ẩn họa treo trên đầu người dân Sài Gòn 3

Nhiều cần cẩu xây dựng lơ lửng trên nóc nhà dân ở TP HCM.


Theo quan sát của chúng tôi, tại các công trình xây dựng lớn hay nhỏ đều xuất hiện cần cẩu xây dựng với nhiều kích thước, hình dáng khác nhau. Rõ ràng, hiệu quả của những “lực sỹ” này là điều không thể chối cãi nhưng mỗi khi xoay từ nơi này sang nơi khác, chúng vẫn khiến không ít người sợ hãi. “Đi trên đường mà thấy cả một khối sắt khổng lồ quay qua quay lại trên đầu mình thì cũng ớn lạnh”, một thanh niên chia sẻ.


Tại một số công trình, do bị áp lực về tiến độ thi công, cộng với sự chủ quan, một số công nhân làm nhanh, làm ẩu nên vấn đề an toàn lao động bị bỏ ngỏ. Trần Văn Quốc, một công nhân xây dựng, chia sẻ: “Nhiều người làm việc rất ẩu, không thèm quan tâm đến an toàn của mình và mọi người xung quanh, chỉ muốn làm sao cho công việc nhanh thật nhanh để làm tiếp công trình khác. Tôi chỉ là thợ, người ta sai gì thì làm nấy chứ có cãi lại được đâu”.


Ẩn họa treo trên đầu người dân Sài Gòn 4


Khi được hỏi về cảm giác khi sống gần các công trình xây dựng lớn, đa số người dân đều rất e ngại, không yên tâm mỗi lúc nhìn thấy những chiếc cần cẩu này. Bác Sơn (ngụ tại quận Bình Thạnh) cho biết: “Gần nhà tôi có xây một khu chung cư cao cấp. Hiện nay công trình đã xây lên được khá cao. Hàng ngày, ngồi nhìn chiếc cẩu xoay qua xoay lại trong lòng cũng thấy lo lo vì chiếc cẩu cao quá, nếu chẳng may có gì thì nhà cửa xung quanh cũng khổ lắm”.


Anh Tuấn Anh (ngụ tại quận 7) thì chia sẻ: “Không biết mấy cần cẩu đó có chắc chắn không chứ nhìn thì thấy chênh vênh quá. Mỗi lần cái cần xoay để chuyển vật liệu, tôi thấy phía đầu kia còn nhoài ra che gần như hết một con đường”.


Ẩn họa treo trên đầu người dân Sài Gòn 5

Nhiều cần cẩu xây dựng khi xoay có thể vươn ra ngoài, vắt ngang đường có nhiều người dân đi lại phía dưới.


Ẩn họa treo trên đầu người dân Sài Gòn 6

Lơ lửng trên đầu người dân


Mỗi lần đi ngang qua các công trình xây dựng là anh Trần Ngọc Thành (ngụ tại quận 2) lại nơm nớp lo sợ. “Hôm trước có vụ sập cần cẩu ở trung tâm quận 1 nên giờ cứ đi qua mấy công trình là tôi bị ám ảnh. Chiếc cẩu thì cao chót vót, chẳng may một viên gạch rơi xuống đất thì cũng mệt mỏi huống chi là chuyện gì to lớn hơn nữa”, anh Thành lo lắng nói.




0 Response to "Ẩn họa treo trên đầu người dân Sài Gòn"

Post a Comment

Friends list