Biến người tàn tật thành “cỗ máy” kiếm tiền
Đường dây chăn dắt người tàn tật của H. trọ tại số nhà X. trên đường Lưu Chí Hiếu (phường 10, TP.Vũng Tàu). Hàng ngày, H. chỉ việc đưa đón người tàn tật (tên M.) đến các ngã tư để họ ngồi bán tăm bông.
Hình ảnh M. ngồi lê bên lề đường đã khiến nhiều người động lòng xót xa, bỏ tiền vào giỏ tăm bông mà không nhận hàng.
Theo người dân sống xung quanh nhà trọ này cho biết, H. đang sống cùng hai con và “nuôi” người ăn xin này. Mỗi tháng H. trả M. 2 triệu đồng, đổi lại mỗi ngày người này phải kiếm được 200.000 đồng, nếu không kiếm đủ sẽ không được ăn cơm.
6h30 sáng, H. dắt xe ra, chở người tàn tật có khuôn mặt khắc khổ, phóng vội đi như sợ có người để ý. Đến góc đường 3/2 vào Trung tâm đô thị Chí Linh, H. dừng xe cho M. xuống ngồi bên lề đường để bắt đầu một ngày làm ăn. Ngồi đến trưa, người này tự đi bộ sang địa điểm khác để tiếp tục xin.
M. ăn xin thuê cho H. ngồi tại giao lộ đường 3/2.
Tối, 19h tại chốt giao thông Nguyễn An Ninh - Trương Công Định (phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu), người tàn tật vẫn ngồi lặng lẽ để xin tiền. Nhiều người đi đường thương hại đã dừng xe lục túi cho tiền. Một lúc sau, M. đứng dậy đi bộ về phía con hẻm gần đó. Tại đây, H. điều khiển xe máy, biển số 72E1 đến đón người này về phòng trọ ở đường Lưu Chí Hiếu. H. phóng xe rất nhanh như sợ bị ai đó phát hiện.
Được biết, H. từng có chồng và sống tại chung cư Trung tâm đô thị Chí Linh, hiện đang chờ ly hôn, nên H. cùng hai con đến thuê trọ tại đường Lưu Chí Hiếu. Theo chị Huyền, ở cạnh nhà trọ của H., thì gia đình cô ta có truyền thống chăn dắt ăn xin. Mẹ H. cũng từng thuê nhà trọ gần đây để nuôi người già đi ăn xin, bản thân chị gái H. trước đây cũng cùng con nhỏ đi ăn xin.
Điều đáng nói là, nhà trọ H. thuê khá gần với UBND và Công an phường 10. Người dân địa phương cho rằng, phát hiện hoạt động chăn dắt ăn xin của họ không khó vì ngày nào cũng diễn ra như vậy.
Nuôi người già đi ăn xin
Ở các tuyến đường Nguyễn An Ninh, Trương Công Định, Lê Lợi, bến tàu cánh ngầm, người dân thường xuyên thấy các cụ già tiều tụy ngồi lê la ăn xin. Nhiều người thương cảm đã dừng xe cho các cụ tiền mà không biết rằng các cụ già này là công cụ kiếm ăn của bọn người bất lương.
Vợ chồng Nguyễn Thị T. thuê phòng trọ tại hẻm đường Bắc Sơn (phường 11, TP.Vũng Tàu) để nuôi khoảng 3-4 người già cùng quê rồi tổ chức cho họ đi ăn xin. Mỗi ngày cứ tầm 6h sáng, vợ chồng T. chở người già thả xuống các chợ, hàng quán để đi xin. Đến 11h, đón họ về nhà ăn uống, nghỉ trưa, rồi lại quay ra chợ xin ăn đến tối mới chở về.
H. chở người đi ăn xin.
Chị M., bán tạp hóa ở hẻm 282 Bắc Sơn kể: “Đi xin được bao nhiêu tiền họ đều phải nộp lại cho T. Bà con ở đây ai cũng biết vợ chồng T. không làm gì ngoài chuyện chăn dắt ăn xin. Bản thân T. có lúc cũng ôm con nhỏ đi ăn xin”.
Trong suốt thời gian tìm hiểu, theo chân những người ăn xin do vợ chồng T. chăn dắt, họ thường đóng vai người bán vé số dạo để đối phó. Cứ vài ngày là họ đổi địa điểm hành nghề, nếu ai hỏi thăm tên tuổi, quê quán thì họ không trả lời để tránh bị để ý. Mỗi khi phát hiện có người theo dõi, họ chở người già chạy vòng vèo rất nhanh để cắt đuôi.
Tại nhà T. lúc 11h30, căn phòng nhỏ nóng bức, cả nhóm người gồm: Một ông già, một bà già, một phụ nữ trung niên, mẹ T. và T. đang ăn cơm trưa. T. nhanh chóng đứng dậy tiếp đón, và giới thiệu với chúng tôi họ là những người bà con đến chơi.
0 Response to "Lần theo những đường dây chăn dắt ăn xin ở Vũng Tàu"
Post a Comment