Sự thật sau thông tin người dân Quảng Bình "hôi nhãn"


Trong những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin xe đầu kéo container mang biển kiểm soát 89C-01653, do lái xe Lê Văn Công điều khiển, chở 17 tấn nhãn bị tai nạn ngày 21/2 vừa qua ở Quảng Bình đã bị người dân "hôi của" không thương tiếc.


Nhiều trang mạng, độc giả đã gọi hành động “hôi của” đó là hành vi man rợ, ăn cướp, vô cảm và vô nhân tính... Không dừng lại ở đó, nhiều người còn khái quát để đánh đồng và đi đến kết luận giá trị đạo đức, nhân cách của người dân Quảng Bình.


Phóng viên đã đến tận hiện trường tai nạn, gặp nhiều người để xác minh thông tin về việc "hôi của" vừa xảy ra tại xã Hóa Thanh, huyện vùng cao Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.


Tường trình của người trong cuộc


Theo thông tin từ công an huyện Minh Hóa, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 21/2, xe đầu kéo container mang biển kiểm soát 89C-01653, của Công ty cổ phần Bích Thị, chở nhãn nhập khẩu từ Thái Lan bị tai nạn ở km 108+50 Quốc lộ 12A đoạn qua thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa.


Sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Minh Hóa đã điện ngay cho Đồn Công an Hóa Tiến, Công an xã Hóa Thanh - nơi gần nhất cử cán bộ đến để bảo vệ hiện trường, giúp người bị nạn giải quyết sự vụ.


Anh Phạm Hồng Sơn, Trưởng Công xã Hóa Thanh, một trong ba cán bộ đến hiện trường sớm nhất, cho biết xe bị tai nạn ở dốc Khàng quanh co, phía dưới là vực sâu hơn 80m gần kề con suối Thác Cơn Bồn.


“Khi tôi đến, đầu và khung xe container bị nạn nằm chổng chơ gây ách tắc giao thông khiến hàng chục xe tải, xe khách phải dừng bánh. Phía dưới vực sâu, thùng xe bị rơi vỡ khiến các thùng nhựa đựng nhãn và nhãn trong các thùng tung tóe khắp nơi. Lúc đó, có rất nhiều người hiếu kỳ đã xuống phía dưới để xem, một số còn nhặt hạt nhãn rơi vãi để ăn. Cá biệt, có hai người bốc nhiều thùng đựng nhãn còn khá nguyên vẹn lên thuyền và định chở đi. Khi ấy, tôi và hai công an viên cũng đã xuống dưới vực sâu nên yêu cầu và ngăn không cho mọi người nhặt nhãn nữa. Hai lái thuyền trên suối cũng tự giác trả lại những thùng nhãn. Lúc đó, không có lái xe hay bất kỳ người đại diện nào của nhà xe cả nhưng tất cả việc bảo vệ hiện trường đều được lực lượng công an thực hiện rất tốt.”


Khoảng 1 giờ đồng hồ sau đó, lái xe Lê Văn Công mới trở lại nơi xảy ra tai nạn để cùng phối hợp bảo vệ hiện trường và tài sản. Tiếp đó, phải đến hơn 14 giờ cùng ngày, ông Trịnh Văn Bảy - đại diện Công ty Bích Thị cũng đã đến hiện trường,” anh Sơn cho biết thêm.


Anh Sơn khẳng định trong quá trình bàn bạc, trao đổi, “vì nhãn quá dập nát nên ông Bảy quyết định dừng bảo vệ để cho dân nhặt."


Một trong những người đến hiện trường vụ tai nạn rất sớm, anh Đinh Xuân Bình, sinh năm 1997, ở thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh, cho biết do độ dốc quá lớn, vực sâu nên nhãn trong thùng xe bị vỡ văng ra nhiều nơi, đa số bị dập nát, lẫn trong đất cát.


Mới đầu, người dân vì hiếu kỳ xuống xem khá đông, có một số ít người nhặt những hạt nhãn rơi vãi để ăn nhưng khi lực lượng công an đến bảo vệ hiện trường thì người dân không nhặt nữa. Trong cả quá trình này, không có chuyện lái xe phải kêu van dân đừng lấy nhãn như một số thông tin báo chí đã đưa.


Anh Cao Ngọc Tí, trú ở thôn Thanh Lâm, xã Hóa Thanh, người cũng có mặt tại hiện trường vụ tai nạn khi đó khẳng định: "Nhãn bị hư hỏng nặng hư thế có cho thì dân mới nhặt ăn, chứ không cho thì chẳng ai lấy."


Trong tài liệu vụ việc lưu giữ ở Cơ quan Công an huyện Minh Hóa và Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo cũng giúp làm sáng tỏ thêm sự việc. Theo biên bản vụ tai nạn giao thông này với chữ ký xác nhận của lái xe Lê Văn Công cùng cán bộ công an xã Hóa Thanh, phần hậu quả có ghi rõ rằng: “Xe hư hỏng nặng, container rơi xuống vực sâu, hàng hóa hư hỏng hoàn toàn không sử dụng được.”


Sự thật sau thông tin người dân Quảng Bình "hôi nhãn" 1

Biên bản về vụ tai nạn. (Ảnh: Trang Trang/Vietnam+)



Ngay cả 12 thùng nhãn được anh Sơn cho là nguyên vẹn nhất, được lực lượng công an giữ lại cho chủ xe, thì khi bàn giao chính đại diện Công ty Bích Thị cho rằng số lượng quá ít và bị vỡ nát nên không lấy.


Bình tâm khi phán xét


Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Tường, quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho rằng nói người dân vùng cao Minh Hóa "man rợ" là sự xúc phạm bởi nơi đây được coi là thánh địa của sự hồn nhiên, thánh địa của lòng tốt.


Để chứng minh cho lòng tốt ấy, ông Tường kể lại câu chuyện khoảng 10 năm trước đây, chuyến tàu Thống Nhất qua vùng đất này bị đổ, hàng ngàn tính mạng bị đe dọa. Khi ấy, người dân ở đây đều đến cứu người và hàng hóa. Kết quả, người đi tàu không mất bất kể thứ gì.


Khi đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã gửi một bức thư dài khen ngợi tấm lòng thanh sạch, vì nghĩa của người dân nơi đây. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng gặp gỡ và khen ngợi người dân, đồng thời ngỏ ý tặng quà tri ân của ngành cho những tấm lòng trong sáng ấy. Nhưng tất cả người dân ở đây đều không đòi hỏi bất cứ gì và cho rằng việc cứu người, cứu hàng hóa trong tai nạn là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người.


Cũng mới đây, hôm 30/11/2013 vừa qua, cũng tại dốc Khàng, xã Hóa Thanh, một xe đầu kéo khác chở nhãn nhập khẩu bị tai nạn. Khi ấy, thùng xe bị vỡ, nhãn vung vãi trên mặt đường, chủ xe nhờ bảo vệ tài sản nên người dân không hề lấy bất kỳ một quả nhãn nào.


Tiến sỹ sử học Nguyễn Khắc Thái, một người con của Quảng Bình ho rằng sau vụ tai nạn, hàng hóa bị hư hỏng nặng, chủ xe không lấy nên người dân mới nhặt để vớt vát những giá trị còn lại thì đáng khen ngợi chứ sao gọi họ là “hôi của,” “ăn cướp,” “man rợ” được./.




0 Response to "Sự thật sau thông tin người dân Quảng Bình "hôi nhãn""

Post a Comment

Friends list