Học sinh, giáo viên lo lắng
Em Nguyễn Hồng Hải, học sinh lớp 12 Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội) cho biết, tất cả học sinh lớp 12 của trường đều trong tâm trạng rất sốt ruột vì đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015.
“Em và các bạn đều lo lắng không biết sẽ thi theo cấu trúc đề nào, các trường sẽ xét tuyển đại học ra sao. Bố mẹ chúng em cũng bối rối trong việc định hướng học tập và giúp đỡ con”, em Hải cho biết. Cũng theo học sinh này, việc thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục nhưng dường như lại không phù hợp với thế mạnh của mỗi học sinh và nguyện vọng của cha mẹ các em.
Còn theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), việc đưa ra nhiều phương án tuyển sinh ĐH, CĐ dựa trên kết quả các môn thi tự chọn và bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự lựa chọn khối thi và nghề nghiệp của học sinh hiện nay. Một trong những vấn đề gây lo lắng nhất với học sinh là môn ngoại ngữ nằm trong số ba môn thi bắt buộc.“Quy định này là cần thiết cho yêu cầu kiến thức và kỹ năng của học sinh, nhưng do mới áp dụng nên khiến rất nhiều học sinh cảm thấy áp lực. Đặc biệt với những em vốn chỉ định thi khối A thì nay phải dành nhiều thời gian học thêm ngoại ngữ vào buổi tối, trong khi thời gian không còn nhiều”, bà Nhiếp cho hay.
Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện cơ quan này cũng chưa nhận được hướng dẫn mới nào từ Bộ GD&ĐT về kỳ thi này. “Thông tin học sinh sẽ đăng ký môn thi tự chọn vào tháng 3/2015, chúng tôi cũng chỉ nghe qua phương tiện truyền thông. Giáo viên, học sinh hiện đang rất lo lắng vì bị động trong thông tin”, ông Hoan chia sẻ.
Dự kiến 34 cụm thi quốc gia
Ngày 11/12, dự kiến về cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã được Bộ GD&ĐT chia sẻ với truyền thông. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đang xây dựng phương án tổ chức 34 cụm thi quốc gia. Theo đó, mỗi cụm thi có ít nhất hai tỉnh và chỉ trường ĐH lớn, đủ điều kiện triển khai mới được đứng ra tổ chức các cụm thi này.
Học sinh đang bị động trước kỳ thi chung
Về việc xét tốt nghiệp THPT năm 2015, ông Nghĩa cho biết, cách xét giữ ổn định như năm 2014 dựa trên 50% điểm thi kỳ thi THPT quốc gia và 50% kết quả học tập lớp 12. Cũng với mục đích không gây xáo trộn cho thí sinh dự thi năm nay, Bộ GD&ĐT đưa cấu trúc đề thi cơ bản không khác kỳ thi tốt nghiệp năm 2014. Hình thức thi vẫn gồm trắc nghiệm và tự luận, trong đó thi trắc nghiệm dài 90 phút, tự luận là 180 phút.
Điểm đáng lưu ý với thí sinh dự thi năm nay là cần đăng ký rõ thi môn nào, cụm nào, mục đích dự thi là gì. Theo ông Trần Văn Nghĩa, năm 2015 sẽ có ba nhóm đối tượng thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thứ nhất, là những học sinh chỉ thi bốn môn để lấy bằng tốt nghiệp. Thứ hai, là các thí sinh vừa thi để xét tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Thứ ba, là các thí sinh tự do, đã tốt nghiệp THPT và chỉ tham gia thi để xét tuyển ĐH, CĐ.
Với tổng số 427 trường ĐH,CĐ đăng ký phương án tuyển sinh năm 2015, Bộ GD&ĐT cho biết, có 235 trường (135 ĐH, học viện và 100 trường CĐ) lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ xét tuyển đầu vào.
192 trường (81 trường ĐH, 111 trường CĐ) vừa sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa sử dụng kết quả học tập ở THPT. Ngoài ra, một số trường yêu cầu đầu vào cao, có tính đặc trưng ngành nghề đào tạo sẽ tổ chức sơ tuyển hoặc kiểm tra năng lực bằng nhiều hình thức khác nhau.
Sốt ruột chờ hướng dẫn kỳ thi chung
0 Response to "Sốt ruột chờ hướng dẫn kỳ thi chung"
Post a Comment