Trả lời:
Chào em,
Việc xuất hiện vết bầm trên da là một hiện tượng không hiếm gặp. Trong nhiều trường hợp, vết bầm không phải là bệnh lý và cũng không phải là triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm. Bác sĩ sẽ tạm phân vết bầm thành 2 loại để em dễ hiểu: vết bầm không nguy hiểm và vết bầm nguy hiểm.
1. Vết bầm không nguy hiểm
Đây là loại vết bầm xác định là xuất hiện do va đập. Khi tay, chân va đập mạnh, các mạch máu ở khu vực đó sẽ bị chấn thương, vỡ ra, dẫn tới việc máu thoát ra ngoài, tụ dưới da thành những vết bầm. Loại vết bầm này không nguy hiểm và đa phần sẽ từ từ biến mất sau đó vài ngày. Vết bầm có thể lớn hay nhỏ tùy vào mức độ tổn thương của mạch máu tại chỗ bị va đập. Thậm chí ngay sau khi va đập, chúng ta có thể hạn chế mức độ tổn thương bằng cách lập tức chườm đá lạnh để mạch máu co lại, giảm sưng, giảm chảy máu.
Vết bầm tím khi va đập là hiện tượng có ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em. Ở bắp đùi, bắp tay da mỏng nên rất dễ bị tổn thương. Ở người già, thành mạch máu cứng và giòn, còn ở người trẻ, có nhiều nguyên nhân khiến cho thành mạch dễ vỡ, trong đó phổ biến nhất là không cung cấp đủ vitamin C cho cơ thể. Vì vậy, để tăng cường sức khỏe cho các mao mạch, em cần phải ăn những loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, chanh…
2. Vết bầm nguy hiểm
Vết bầm sẽ không còn là vô hại nếu em gặp phải một trong số các trường hợp sau:
- Tự nhiên xuất hiện vết bầm mà không rõ nguyên nhân
- Vết bầm máu đã tan đi nhưng sau đó bị đi bị lại
- Vết bầm sau 1 tháng mà vẫn không hết
Khi đó, vết bầm có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như đa hồng cầu, tiểu đường, suy thận. Khi gặp trường hợp này, em nên đến bệnh viện để bác sĩ làm những xét nghiệm cần thiết để phát hiện đúng bệnh và điều trị kịp thời.
Chúc em luôn khỏe mạnh và nhiều niềm vui trong cuộc sống!
0 Response to "Đi tìm lời giải cho những vết bầm không đau kì lạ"
Post a Comment