“Lão gàn”
Ông Nguyễn Hữu Hiệp (thôn Văn Giáp, xã Văn Bình) hành nghề gia truyền bốc thuốc Nam chữa bệnh, từ năm 1980. Khi đó, chỉ có những người bị bệnh đến nhờ ông bắt mạch, bốc thuốc, cũng không có chuyện to chuyện nhỏ gì trong việc chữa bệnh nên không mấy ai trong làng để ý. Nhưng đến khoảng năm 2004 thì dường như có nhiều người trong và ngoài làng biết đến ông hơn. Tuy nhiên đó lại là tai tiếng khi bỗng dưng ông lại nhận người bị nghiện ma túy về nhà ông để giúp họ cai nghiện. Cũng kể từ đó, có nhiều người trong làng dị nghị về ông hơn, đó là lý do mà chính vợ và con ông cũng phản đối việc làm này.
Những lá thư của một số bệnh nhân nghiện tỏ lòng kính phục “thầy Hiệp”.
Từ những người hàng xóm cho đến những người thân trong gia đình, coi ông như một lão gàn, dở, khi ông mở rộng vòng tay đón những con nghiện về nhà. Một người dân ở thôn Văn Giáp cho biết, bình thường trong nhà ông có 5-6 người bệnh là những “con nghiện”, có lúc tới cả chục người. Người dân này cũng tỏ ra ngạc nhiên: “Rất lạ là đám người nghiện trong nhà ông Hiệp lại không bao giờ ra ngoài, cũng không bao giờ thấy có chuyện cãi lộn, to tiếng”. Khi nói đến chuyện này, có người còn nghi ngờ ông Hiệp cho những người nghiện đến nhà ông uống thuốc ngủ”??!
Sau một hồi hàn huyên, tôi được một người tận tình dẫn vào cổng nhà ông. Từ ngoài nhìn vào là một căn nhà cấp 4 lụp xụp và vắng vẻ, sau tiếng gõ cổng, một ông già dáng người mảnh khảnh hé cổng, ông nhìn tôi một cách dò xét. Có lẽ vì ông nghĩ những người tìm đến nhà ông chủ yếu là để chữa bệnh, mà nhìn tôi thì không giống lắm… Không đợi ông hỏi, tôi tự giới thiệu là phóng viên về tìm hiểu “cơ sở cai nghiện nhà ông”. Thay đổi hẳn nét mặt, ông tỏ ra niềm nở hơn: “Người ta cứ gọi là bệnh xá chứ đây chỉ là căn nhà đã cũ của tôi thôi. Anh vào đi…”.
Người thầy của hàng trăm “con nghiện”
Một căn nhà 3 gian cấp 4 cũ nát, và một gian buồng thờ, nhà ông kê khoảng gần 10 cái giường phản mộc mạc. Ông Hiệp cho biết, ông không phải là bác sĩ, chỉ bằng cách bốc thuốc gia truyền, kết hợp với việc tìm tòi qua các tài liệu liên quan đến thuốc, ông đã tìm ra một số loại thuốc lá nam có có thể giúp “con nghiện” cắt cơn và bằng cách của ông, chỉ cần 20 ngày sau khi tiếp nhận, “con nghiện” cơ bản sẽ hết thèm thuốc.
Nơi “cai nghiện” là căn nhà cấp 4 cũ nát của “thầy Hiệp”.
Ông tiết lộ: “Con nghiện thèm ma túy khi trong người họ đang tồn tại loại ma túy đó. Họ lên cơn khi thèm ma túy không khác gì người ta thèm ăn khi bị đói bụng. Do đó, để họ không còn thèm thuốc (cai nghiện - PV) chỉ có cách là đào thải hết chất ma túy trong cơ thể người bệnh, như đào thải chất độc ra ngoài, khiến họ trở nên vô cảm với ma túy như chưa từng biết đến ma túy”.
Mỗi người nghiện đến đây, “thủ tục” tiếp nhận của ông đầu tiên là cho họ ký bản cam kết về việc chấp hành chỉ uống thuốc, giữ gìn ANTT và phải chấp hành “lệnh cấm trại” trong suốt thời gian 20 ngày chữa bệnh tại nhà ông. Đồng thời mỗi người được nhận một “danh số” theo số thứ tự và ông cũng yêu cầu người nhà của người nghiện ký cam kết là tất cả người bệnh đến với ông có quyền và nghĩa vụ bình đẳng như nhau. Quá trình chữa ông không phân biệt người bệnh là con nhà giàu hay nhà nghèo.
Bệnh nhân trẻ nhất mang số hiệu 308, quê ở Hải Dương không những bị nghiện ma túy mà còn mắc bệnh xuất huyết dạ dày, sức đề kháng rất kém. Đối với bệnh nhân này, thầy lang Hiệp đã kết hợp những bài thuốc chữa nghiện của mình với những bài thuốc nhằm chữa dứt điểm cả bệnh dạ dày lâu ngày của người bệnh. Bệnh nhân cho biết: “Tôi đã hoàn toàn hết nghiện, không còn cảm giác thèm thuốc và chỉ 2 ngày nữa tôi có thể trở về với gia đình và xã hội. Thực sự tôi thấy đây là một nơi chữa nghiện hiệu quả, sau những ngày tháng trải nghiệm trong các trung tâm cai nghiện khác”.
Trong tập “hồ sơ bệnh nhân” của ông, con số người nghiện ma túy từng đến đây để cai đã tới con số 325, đã kết thúc việc cai nghiện tại nhà ông, chưa kể những người đang tiếp tục chữa. Ông cũng cho biết thêm, mỗi năm ông nghỉ chữa cai nghiện từ rằm tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng mới tiếp tục tiếp nhận người mới, lý do mà ông đưa ra là bản thân người nghiện cũng sẽ bị tâm lý ngày Tết được xum họp cùng gia đình nên phải nghỉ.
Khi hỏi về kinh phí nuôi người bệnh và chữa bệnh, ông Hiệp cho biết: “Mọi người đến cai nghiện ở đây được uống thuốc và chăm sóc bình đẳng như nhau. Nhưng kinh phí thì tùy theo gia đình có điều kiện thì đóng góp nhiều, người không có điều kiện thì góp ít. Thậm chí có người chỉ góp được tiền ăn mà không có đồng tiền thuốc nào”.
Có lẽ vì làm cái việc “không giống ai” đó mà ông Hiệp cho biết, vợ con ông cũng nhiều lần ngăn cản, rồi cả một số người làm công tác cũng tỏ ra lo ngại việc ông nhận người nghiện về nhà sẽ ảnh hưởng đến ANTT địa phương. Nhưng sau mọi người thấy cách làm và quản lý người bệnh của ông có một nguyên tắc, đó là có giờ giấc ngủ nghỉ, báo thức, xem tivi… như một thời gian biểu của một “cơ quan” và không thấy ảnh hưởng đến ANTT địa phương nên đến bây giờ cũng không mấy ai dị nghị với ông như trước nữa.
Đọc nhiều lá thư viết tay của của một số bệnh nhân từng đến cai nghiện nhà ông, với những tình cảm của họ và người thân dành cho ông, họ gọi ông là “thầy Hiệp”, mới thấy rõ sự cảm phục một người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”; một “lão gàn” như ông. Chia tay ông, tôi nhớ mãi những tâm sự ân cần của ông: “Bệnh nhân đến với tôi ngày càng nhiều, nhưng không lấy đâu ra tiền để xây dựng được cái nhà cho rộng rãi hơn. Người nghiện và người thân của họ là những người trực tiếp thấy được hiệu quả từ việc cai nghiện tại đây, tôi tiếc rằng, mình không được danh chính ngôn thuận để hành nghề cho đúng nghĩa một cơ sở chữa bệnh, mà mới được hành nghề bằng cái tâm của người bốc thuốc mà thôi”.
0 Response to "Ông lão gần 10 năm chung sống với 325 người nghiện"
Post a Comment