Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết trong dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi đang đưa ra 2 phương án: Nam nữ đủ 18 tuổi được phép kết hôn (hiện nay là nữ đủ 18 tuổi và nam đủ 20 tuổi) và nam nữ đủ 18 tuổi được phép kết hôn nhưng cho phép kèm theo “quy định mềm” áp dụng theo phong tục tập quán, trường hợp ngoại lệ đặc biệt.
Tâm sinh lý chưa hoàn thiện
Về tảo hôn đang là vấn đề nhức nhối ở khu vực miền núi phía Bắc, ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng sắp tới phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu hơn về vấn đề này. Ông Hùng khẳng định chỉ ủng hộ đề xuất hạ độ tuổi, quy định nam nữ đủ 18 tuổi thì có thể kết hôn, chứ không thể kèm theo quy định nào khác.
Trong khi đó, TS. BS Vũ Bá Quyết, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho rằng đề xuất hạ tuổi kết hôn của Bộ Tư pháp là không phù hợp về phương diện y học. Theo ông Quyết, ở tuổi dậy thì, phụ nữ hoàn toàn có khả năng sinh con nhưng do cơ quan thuộc sinh sản chưa phát triển hoàn thiện nên chưa đủ khả năng mang thai.
“Cháu gái 16 tuổi chưa đủ chín chắn, chưa có nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản để trở thành một người mẹ tốt. Hơn nữa, phụ nữ ở độ tuổi này khung xương chậu chưa phát triển hết để có thể sinh con. Nếu kết hôn ở tuổi 16, tiên lượng số ca đẻ khó, tai biến sản khoa sẽ tăng lên”, bác sĩ Quyết lo ngại.
Một đám cưới ở Long An mà chú rể mới 14 tuổi cô dâu 17 tuổi.
GS. TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Đại học Kinh tế Quốc dân, khẳng định không nên hợp pháp hóa hủ tục tảo hôn.
“Tôi phản đối việc hạ tuổi kết hôn xuống 16, kể cả khi quy định này chỉ được thực hiện với một số vùng miền có tình trạng kết hôn sớm. Hiện nay, tuổi kết hôn đa số là cao. Theo điều tra, tuổi kết hôn trung bình đối với nam đã xấp xỉ 27 và nữ là 22. Nếu hạ độ tuổi kết hôn, ngoài lý do không phù hợp với thực tế của Việt Nam thì chúng ta còn đi ngược xu hướng tiến bộ của thế giới. Nếu cho phép kết hôn ở tuổi 16 sẽ làm chậm sự phát triển xã hội, giảm chất lượng cuộc sống. Các bà mẹ ở lứa tuổi này không có kỹ năng chăm sóc và nuôi dạy con”, GS Cử phân tích.
GS Cử còn cho rằng hiện nay kết hôn sớm theo tập quán xảy ra khá phổ biến ở một số vùng miền. Theo tổng điều tra dân số, hiện tỉ lệ tảo hôn chung cả nước là khoảng 2,5%, khu vực đồng bào dân tộc ít người thì cao hơn. Để tình trạng tảo hôn tồn tại là do chính quyền địa phương chưa làm tốt việc tuyên truyền, thậm chí gần như buông xuôi.
Hạn chế việc sống ngoài vòng pháp luật
Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), cho biết Bộ Tư pháp đề xuất thêm “quy định mềm” là xuất phát từ việc nghiên cứu pháp luật của nhiều nước và thực tế ở nhiều tỉnh miền núi nước ta.
“Phong tục tập quán đã hình thành lâu đời và chưa thể chuyển biến ngay được. Cho dù pháp luật nghiêm cấm nhưng thực tế nhiều cháu gái dân tộc ít người đã kết hôn và làm mẹ ở tuổi 14 - 16. Nếu chúng ta không công nhận những trường hợp kết hôn này nghĩa là các cháu, con của các cháu phải sống ngoài vòng pháp luật, không được bảo đảm các quyền lợi của một công dân. Lúc đó, cũng không thể bắt các cháu phải chờ tới đủ 18 tuổi mới được làm các thủ tục kết hôn như các công dân khác”, ông Huệ phân tích.
Theo ông Huệ, nên có quy định về những trường hợp ngoại lệ dưới độ tuổi quy định chung được kết hôn như nhiều nước nhằm bảo đảm quyền của mỗi công dân. “Việc chọn phương án nào sẽ phụ thuộc vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi”, ông Huệ nói.
TS. BS Vũ Bá Quyết cho rằng trước tình trạng tảo hôn ở nhiều nơi, pháp luật cũng cần có những hướng dẫn theo hướng mở để cho phép những trường hợp đặc biệt (dưới 18 tuổi) có thể được kết hôn.
“Tình trạng kết hôn một phần do trình độ văn hóa không đồng đều nhưng chủ yếu vẫn do phong tục nên chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế này. Việc chấp nhận thực tế này cũng giúp những đứa trẻ ra đời được bảo đảm quyền lợi tốt hơn”, ông Quyết nói.
0 Response to "Tranh cãi tuổi được kết hôn"
Post a Comment