Ngày 16 (âm lịch) hằng năm, đồng bào Ma Coong ở Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) lại tổ chức đêm hội đập trống cầu mưa thuận gió hoà, ngô lúa tốt tươi, người người khỏe mạnh. Đặc biệt dịp này mọi người có thể hẹn hò, tình tự “hợp pháp” với nhau.
Lễ hội đặc biệt
Đúng dịp cuối tuần, đường xá thông suốt nên lễ hội năm nay đón lượng khách đổ về nhiều hơn mọi năm. Không chỉ có dân các bản ở xã Thượng Trạch, Tân Trạch mà các bạn Lào và người Kinh ở các nơi cũng đến tham gia lễ hội với dân bản.
Lễ hội quan trọng nhất của người Ma Coong diễn ra theo những quy định rất nghiêm ngặt và chặt chẽ, thường có hai phần là phần Lễ và phần Hội.
Chuẩn bị chiếc trống cho đêm lễ hội.
Người Ma Coong ở Thượng Trạch thường tổ chức lễ hội ở bản Cà Roòng 1. Dưới tán cây cổ thụ, người làng dựng một dãy nhà tranh nhỏ. Trong căn nhà chính treo chiếc trống là nơi hành lễ.
Mâm cỗ cúng Giàng gồm có rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác. Mỗi bản có một mâm và trong lễ cúng phải có 18 mâm cỗ như thế. Sau vài lượt cúng khấn, già làng Đinh Xòn phát lệnh lễ hội đập trống bắt đầu.
Khi phần lễ kết thúc cũng là lúc tiếng trống hội mở màn vang lên. Mọi người bắt đầu xúm lại bên những ché rượu cần. Những thanh niên khỏe mạnh giành nhau dùi và trổ tài đánh trống mạnh, đánh trống nhanh. Những người khác cầm tay nhau nhảy múa.
Mặt trống năm nay được bọc da sơn dương.
Trống hội làm từ buổi sáng, tang trống được làm bằng thân cây gỗ lồi. Da bịt mặt trống năm nay được lấy từ da sơn dương, bịt trống bằng những cây mây già, chêm mặt trống cho căng là những thân tre già.
Thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhất được chọn đánh trống. Trống phải đánh cho kỳ thủng kịp lúc trời sáng, để trời đất chứng giám cho lòng thành của mọi người và phù hộ năm mới mùa màng bội thu.
Vừa đánh trống, thanh niên vừa la vang: “Roa lữ Giàng ơi!” (sướng quá, vui quá Trời ơi). Trống thủng càng sớm, thanh niên càng mau được dắt tay bạn tình vào rừng tình tự!
Đêm ngoại tình “hợp pháp”
Khi chiếc trống vỡ trước sự chứng kiến của dân bản, của Giàng, thì cũng là lúc các đôi trai gái nhắt nhau vào rừng chuyện trò, tình tự. Bên bếp lửa và những ché rượu cần thơm nồng chỉ còn người già, trẻ em.
Thanh niên trai tráng thay nhau đập trống
Những đôi yêu nhau đợi lễ hội này để đốt cháy thêm tình yêu của mình. Cũng có những người đã gặp được bạn tình và nên duyên đôi lứa.
Với người đàn ông, đàn bà đã có gia đình, Giàng cho phép níu áo, cầm tay đi với một người không phải là chồng hay vợ mình sau khi trống vỡ. Cho đến sáng mai, khi con gà đã thức dậy gáy vang rừng thì họ mới bịn rịn rời nhau trở về.
Không có ghen tuông trong đêm này, đêm duy nhất trong năm người Ma Coong cho phép ngoại tình. Chỉ có những chuyện tình bất tận sáng như ánh trăng, bí ẩn như núi rừng và ngọt ngào như tiếng suối đêm.
Anh Đinh Puôn sinh năm 1981 và chị Y Mỉm sinh năm 1987 đã thành vợ chồng sau đêm đập trống. Được hỏi về lễ hội đập trống năm nay, cả anh và chị đều cười. Anh Puôn nói: “Tối nay cũng đi, đi với người trước đây đem lòng yêu thương mình”.
Chờ cho trống vỡ...
Hỏi chị Mỉm có ghen không, chị chỉ hiền lành: “Không ghen đâu, Giàng cho mà”. Cũng có thể vì Giàng cho mỗi năm một đêm như thế mà tuyệt nhiên ở đây không có chuyện ngoại tình, không có chuyện đánh ghen. Mọi người sống cùng nhau hòa nhã, vui vẻ, điều mà cuộc sống xô bồ của người thành phố không thể nào có được.
Trải qua nhiều biến đổi, lễ hội đập trống của người Ma Coong vẫn còn nguyên đó những giá trị văn hóa không thể phai mờ, mà ẩn sâu bên trong là tín ngưỡng phồn thực trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cầu mong sự hài hòa âm dương trong cuộc sống.
0 Response to "Lễ hội "ngoại tình hợp pháp" ở Việt Nam"
Post a Comment