Từ vụ chị gái bị em ruột cắt chân trong bệnh viện Xanh Pôn tại Hà Nội, nhiều người đặt ra câu hỏi, khi sự việc xảy ra, lực lượng bảo vệ bệnh viện đang ở đâu dù bệnh viện này ký hẳn một hợp đồng với công ty chuyên làm bảo vệ?
Trên thực tế, tình hình an ninh tại hầu hết các bệnh viện vô cùng lỏng lẻo, đã có không ít vụ truy sát, đập phá diễn ra tại bệnh viện nhưng lực lượng an ninh tại chỗ bất lực.
Côn đồ đòi "xử" cả bệnh nhân và bác sĩ
Sau vụ cắt đứt chân chị gái, lực lượng bảo vệ tại bệnh viện Xanh Pôn được tăng cường.
Điển hình là vụ hàng chục côn đồ xông vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đòi truy sát cả bệnh nhân lẫn bác sĩ vào ngày 22/9/2013.
Vào đêm 22/9, giữa Nguyễn Văn Sang và Lê Hoàng Anh Tuấn, đều ngụ tại P.22, Q. Bình Thạnh xảy ra xô xát. Sang chạy vào nhà gọi bố là ông Nguyễn Văn Đức cầm mã tấu ra ứng cứu.
Trong cuộc hỗn chiến, ông Đức bị đâm nhiều nhát, sau đó tử vong tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Bản thân Tuấn cũng bị thương và được đưa vào bệnh viện này cấp cứu.
Tuy nhiên, sau khi ông Đức tử vong, bất ngờ một nhóm côn đồ hơn 30 người xăm trổ đầy mình, cầm theo mã tấu xông vào phòng cấp cứu, đòi "xử" Tuấn buộc các bác sĩ phải đưa bệnh nhân Tuấn đi giấu.
Tìm mãi không được, nhóm này xông vào từng phòng, la hét, đập phá náo loạn bệnh viện, hăm dọa sẽ xử tất cả bác sĩ, y tá nào mặc đồng phục trắng. Thấy vậy, tất cả nhân viên y tế của bệnh viện đã bỏ chạy vào các phòng nghiệp vụ, khóa chốt cửa bên trong.
Nhiều bệnh nhân đang nằm phòng cấp cứu hoảng sợ bỏ chạy ra ngoài hoặc chuyển đến bệnh viện khác. Phải gần 2 giờ sau, với sự giúp sức của công an quận Bình Thạnh, đám côn đồ mới giải tán khỏi khu vực bệnh viện.
Bệnh viện nhân dân Gia Định nơi xảy ra vụ việc.
Trước đó, tại Bệnh viện Năm Căn (Cà Mau) và Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng) cũng xảy ra những vụ truy sát tương tự, khiến bệnh nhân và đội ngũ y, bác sĩ sợ hãi bỏ chạy.
Trong năm 2011, tại Trung tâm Y tế quận 3 (TP.HCM) xảy ra vụ việc nghiêm trọng khi Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1973, ngụ Quận 3) xông vào phòng cấp cứu, đâm trọng thương bà Tăng Thị Linh Lan và con trai Lê Trọng Bảo Duy (SN 1996).
Hàng loạt vụ bắt cóc trẻ em
Đến nay, vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội vào tháng 11/2011 vẫn khiến nhiều sản phụ không khỏi ám ảnh. Ngày 2/11, chị Trần Thị Thơm (SN 1977, Hưng Yên) sinh mổ bé trai nặng 3,4kg tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Đến khoảng 10h30 ngày 3/11, chị Thơm thấy có một người mặc áo blouse trắng vào bế con chị đi, bảo đưa đi xét nghiệm nhưng không thấy mang trả lại. Gia đình đã báo bệnh viện tìm khắp nơi nhưng không thấy.
Cơ quan công an đã phải tung 70 trinh sát phá án. Sau gần 1 tuần, cháu bé được tìm thấy tại nhà chồng của Nguyễn Thị Lệ (SN 1982, quê Việt Yên, Bắc Giang) ở Đông Anh, Hà Nội.
Sau 5 ngày bị bắt cóc, cháu bé được trở về cùng gia đình.
Theo khai nhận, do từng vào Bệnh viện Phụ sản nên Lệ nắm được quy luật hoạt động. Cô ta đã lấy cắp bộ quần áo blouse rồi mặc vào người đóng giả nhân viên bệnh viện, dễ dàng qua mặt bảo vệ, đưa cháu bé ra ngoài.
Mới đây, vào ngày 26/10/2013, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cũng xảy ra vụ bắt cóc trẻ em. Nạn nhân là cháu Nguyễn Tấn Thiên Bảo (SN 2009, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trong lúc mẹ hạ sinh em bé và phải nằm điều trị vết thương, cháu Bảo đã bị Nguyễn Thị Ngọc Hương (SN 1975, trú tại Gia Canh, Định Quán, Đồng Nai) bắt cóc lên xe khách. Tuy nhiên khi đi đến địa bàn huyện Phú Xuyên (Hà Nội) thì bị phát hiện.
Ngày 22/11, tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Đống Đa, Hà Nội) cũng xảy ra vụ bắt cóc trẻ em hy hữu khi người gây án chính là cha đứa trẻ.
Nguyễn Huy Hiện (SN 1981, Thường Tín, Hà Nội) sau khi ngáo đá, đã dùng dao xông vào bệnh viện cướp đi con mình rồi bỏ chạy trước sự bất lực của lực lượng bảo vệ tại đây.
Nhận thấy tính chất nguy hiểm của vụ việc, Giám đốc Công an Hà Nội đã phải trực tiếp xuống tham gia chỉ đạo giải cứu cháu bé. Sau gần 1 giờ, Hiện đã bị bắt giữ.
Quá sức với ngành y tế?
Ngoài những mối nguy hiểm kể trên, các bệnh nhân thường xuyên phải đối mặt với nạn "cò mồi", trộm cắp, lừa đảo trong bệnh viện bất chấp sự có mặt của lực lượng bảo vệ.
Nhiều người đặt câu hỏi, có lẽ đã đến lúc cần phải có một lực lượng an ninh chuyên biệt để đảm bảo an ninh tại các bệnh viện bởi lực lượng bảo vệ có nhưng quá mỏng, chỉ mới kiểm soát được một phần an ninh tại bệnh viện chứ chưa thể đối phó những sự việc bất ngờ ở mức cao.
Sau khi Bệnh viện nhân dân Gia Định xảy ra vụ côn đồ xông vào gây náo loạn, nhiều bệnh viện tại TP.HCM như Chợ Rẫy, 115... đã phải gấp rút họp khẩn, tăng cường thêm số lượng, chất lượng bảo vệ, thậm chí trang bị thêm cả roi điện, roi sắt.
Tuy nhiên khi trả lời trên báo chí, cả Bệnh viện nhân dân Gia Định và Bệnh viện Hoàn Mỹ đều khẳng định, dù có được trang bị cỡ nào, lực lượng bảo vệ cũng không thể ứng phó được với những tình huống côn đồ quậy phá.
Xung quanh vấn đề đảm bảo an ninh tại bệnh viện, ĐBQH Bùi Thị An cũng cho rằng hiện ngành y tế có quá nhiều vấn đề bức xúc, bệnh viện quá tải, đáp ứng nhu cầu khám bệnh còn chưa đủ, chưa giải quyết được thì cũng khó có thể đáp ứng được những yêu cầu khác về an ninh.
Cũng theo bà An, việc đòi hỏi ngành y tế phải có lực lượng an ninh chuyên biệt riêng là rất khó. Thay vào đó cần có sự vào cuộc từ Chính phủ đến nhân dân.
Nhiều ý kiến cho rằng các bệnh viện cần lập đường dây nóng để nối trực tiếp với các lực lượng cảnh sát 113, cảnh sát cơ động hoặc công an quận, huyện... để khi có sự cố, lực lượng công an nhanh chóng có mặt giải quyết.
Một số bệnh viện cũng đã tiến hành dán, phát loa các thông báo để bệnh nhân và người nhà nâng cao cảnh giác, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
0 Response to "Những vụ mất an ninh chấn động ở bệnh viện"
Post a Comment