Đổi mới trong thi cử mới ở bước khởi đầu


Những đổi mới theo dự thảo vừa công bố mới chỉ là đổi mới về cách thức thi và công nhận tốt nghiệp, chưa đổi mới về nội dung thi. Điều quan trọng nhất trong việc đổi mới thi cử, đánh giá phải là đổi mới nội dung. Khi chương trình - sách giáo khoa mới hoàn thành và được thực hiện theo mục tiêu phát triển năng lực người học thì nội dung thi cử, đánh giá nói chung và thi tốt nghiệp THPT nói riêng cũng phải chuyển đổi theo hướng kiểm tra năng lực người học. Hiện tại vì vẫn thực hiện theo chương trình - sách giáo khoa cũ nên chưa thể đổi mới nội dung thi cử.


Đổi mới trong thi cử mới ở bước khởi đầu 1


GS Đào Trọng Thi - Ảnh: Việt Dũng


Nhiều người băn khoăn khi Bộ GD-ĐT chuẩn bị đổi mới thi vào thời điểm này, lo ngại học sinh chưa chuẩn bị để đón nhận. Theo ông, “bước khởi đầu” trong đổi mới thi này cần có lộ trình thực hiện trong năm sau, năm sau nữa hay có thể thực hiện ngay ở mùa thi năm nay?


Tôi nghĩ hoàn toàn có thể triển khai ngay năm nay. Cái chưa rõ ràng, cái mà người dân và học sinh đang chờ đợi chính là việc Bộ GD-ĐT quyết định thế nào và quyết vào thời điểm nào để yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi thôi. Nội dung thi vẫn nằm trong chương trình đã học, những môn thi được phép chọn lựa cũng nằm trong số môn học thường được lựa chọn làm môn thi trong các năm trước đây. Không có khó khăn, cản trở nào trong việc thực hiện ngay những điểm đổi mới mà Bộ GD-ĐT vừa công bố. Việc giảm môn thi, cho phép thí sinh chủ động chọn môn thi không gây khó khăn mà tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. So với các năm trước, thí sinh năm nay có thể biết môn thi của mình sớm hơn, có thời gian ôn luyện nhiều hơn. Với đổi mới này, những học sinh đang học lớp 10, 11 còn có thể chuẩn bị ôn tập từ 1-2 năm vì các em hoàn toàn có thể xác định môn thi của mình từ trước.


Quan niệm bắt buộc học sinh thi lịch sử thì mới giáo dục học sinh lòng yêu nước, theo tôi đó là suy nghĩ không đúng


Ông có nhận xét gì về quy định môn thi trong dự thảo của Bộ GD-ĐT? Việc giảm số lượng môn thi và cho phép học sinh tự chọn liệu có dẫn tới việc học sinh học lệch?


Cách quy định môn thi như dự thảo gần với định hướng của chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015 là tăng cường dạy học phân hóa ở bậc THPT, tạo điều kiện cho người học đầu tư sâu hơn vào những môn học theo định hướng nghề nghiệp. Trong tương lai, mục đích của thi là kiểm tra năng lực của học sinh chứ không phải kiểm tra học sinh nắm được bao nhiêu kiến thức môn học. Nếu hiểu theo cách này thì việc thi bốn hay sáu môn không phải quá quan trọng. Và việc chọn môn toán, ngữ văn là môn thi bắt buộc không có nghĩa hai môn này quan trọng hơn các môn học còn lại mà vì đó là những môn học nhằm hình thành năng lực tư duy cho người học. Các môn còn lại để học sinh tự chọn là tôn trọng nhu cầu, sở trường, định hướng công việc tương lai của học sinh. Nếu học sinh yêu thích lịch sử, muốn học chuyên sâu một ngành học liên quan tới lịch sử thì các em sẽ chọn môn này, nhưng có những em có khả năng học tốt các môn khoa học tự nhiên, muốn học cao hơn ở lĩnh vực này thì có thể chọn các môn thi khoa học tự nhiên. Quan niệm bắt buộc học sinh thi lịch sử thì mới giáo dục học sinh lòng yêu nước, theo tôi đó là suy nghĩ không đúng. Việc giáo dục lòng yêu nước có thể bằng nhiều hoạt động, cách làm khác nhau, cũng như muốn học sinh yêu thích môn lịch sử thì phải thay đổi cách dạy, thay đổi nội dung... Nếu cứ giữ cách nghĩ phải thi tốt nghiệp mới khiến môn học trở nên quan trọng thì có lẽ học sinh cần thi tất cả các môn.


Nếu các môn ngữ văn, toán là những môn kiểm tra năng lực tư duy thì ngoại ngữ là môn công cụ cần thiết cho người học và người lao động trong tương lai. Theo ông, có nên quy định ngoại ngữ cũng là môn thi bắt buộc?


Ngoại ngữ không thể là môn thi bắt buộc vì thực tế hiện nay, ở nhiều vùng miền học sinh không được học đầy đủ, thậm chí chưa triển khai được việc dạy học ngoại ngữ. Việc quy định cứng là không khả thi. Nếu nói ngoại ngữ là môn học công cụ thì tôi nghĩ cần phải tính đến cả môn tin học. Ngoại ngữ và tin học đều cần thiết. Nhưng để nâng trình độ ngoại ngữ, tin học cho nguồn nhân lực tương lai, cần phải làm nhiều việc. Quy định cứng thi tốt nghiệp những môn này vừa không khả thi vừa không phải là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng.


Trong số những điểm đổi mới thi tốt nghiệp THPT, việc mở rộng đối tượng miễn thi gây nhiều tranh cãi. Trong đó, việc có thể nảy sinh tiêu cực là nỗi lo lớn nhất. Ông có cho rằng cần có những biện pháp chặt chẽ hơn để ngăn ngừa tiêu cực?


Những năm gần đây, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của đa số các tỉnh thành đều trên 90%. Đây là kỳ thi công nhận hoàn thành chương trình THPT chứ không phải kỳ thi tuyển chọn nên với trên 90% học sinh đạt yêu cầu thì việc miễn thi cho 20% số giỏi nhất cũng là điều hợp lý. Vì khả năng của số học sinh này vượt xa yêu cầu tối thiểu của kỳ thi thì không nên thi cho tốn kém, lãng phí thời gian.


Tôi nghĩ những năm sau có thể tăng tỉ lệ miễn thi tới 50% cũng được. Với một kỳ thi công nhận hoàn thành chương trình phổ thông, tôi cho rằng vấn đề tiêu cực không phải là điều quá ghê gớm cần đầu tư cách này, cách kia để ngăn ngừa. Nếu kỳ thi được điều chỉnh hợp lý, nhẹ nhàng, học sinh không mang áp lực quá căng thẳng, nếu kết quả tốt nghiệp không sử dụng vào việc tính thi đua, tính điểm thành tích, khen thưởng thì tự khắc tiêu cực sẽ không phổ biến nữa.


Ủng hộ thi 4 môn


Trong điều kiện hiện tại, tôi ủng hộ việc thi bốn môn, với các môn bắt buộc là ngữ văn và toán. Trong tương lai khi có đủ điều kiện để đổi mới nội dung thi, theo tôi, kỳ thi cuối cấp THPT nên tổ chức thi những bài thi tổng hợp kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, có như vậy mới đảm bảo yêu cầu kiểm tra năng lực, khả năng vận dụng kiến thức của học sinh.




0 Response to "Đổi mới trong thi cử mới ở bước khởi đầu"

Post a Comment

Friends list