Lý giải cách đặt tên Bắc Từ Liêm - Nam Từ Liêm


Thời gian gần đây, “Đề án Điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm” tách thành hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm đã trở thành vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm.


Từ Liêm điều chỉnh địa giới hành chính, vì sao?


Ý tưởng tách huyện Từ Liêm thành hai quận trên thực tế đã được khởi động từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Thảo luận tại kỳ họp HĐND huyện Từ Liêm khóa XVIII (nhiệm kỳ 2011-2016) ngày 5/12 vừa qua, các đại biểu HĐND huyện Từ Liêm đều cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh huyện Từ Liêm thành 2 quận như Đề án đã được trình.


Tại đây, các đại biểu cho biết: "Từ năm 2006 đến nay, dân số của huyện tăng gấp đôi (mỗi năm tăng khoảng 4 vạn người); cơ cấu kinh tế của huyện tăng gấp đôi; cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ - công nghiệp chiếm đến 98,6%; trong khi nông nghiệp chỉ chiếm 1,4%; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các xã đã đạt tiêu chí của phường. Đây là thời cơ chín muồi để huyện điều chỉnh địa giới hành chính, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố".


Tại sao hai quận được tách lại được lấy tên: Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm


Lấy Quốc lộ 32 làm ranh giới để tách huyện Từ Liêm thành hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm có lẽ cũng không phải là điều ngẫu nhiên.


Huyện Từ Liêm có địa hình khá dài theo hướng Bắc – Nam, theo cách chia này thì hai quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm là hai khối có hình thể địa lý phù hợp hơn.Ông Nguyễn Văn Tứ - Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho biết: "UBND huyện Từ Liêm đã xây dựng phương án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập hai quận theo hướng một quận ở phía Bắc, một quận ở phía Nam Quốc lộ 32. Phương án này có ưu điểm đảm bảo được sự tương đồng về mức độ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị giữa hai khu vực, đảm bảo hình thể địa lý phù hợp của cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch hành chính của các tổ chức và công dân".


Lý giải cách đặt tên Bắc Từ Liêm - Nam Từ Liêm 1

Hình thể địa lý huyện Từ Liêm dài theo hướng Bắc - Nam.



Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Từ Liêm Nguyễn Văn Việt chia sẻ: "Trong đề án Điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm đề xuất tách huyện Từ Liêm thành hai quận, chúng tôi đặt ra nhiều phương án, có phương án chọn và ưu tiên như: quận Bắc Từ Liêm - quận Nam Từ Liêm, quận Từ Liêm - quận Mỹ Đình, quận Từ Liêm - quận Tây Thăng Long".


Tuy nhiên, huyện Từ Liêm vẫn ưu tiên phương án 1 là cặp tên Bắc Từ Liêm – Nam Từ Liêm, do xuất phát từ nguồn gốc cái tên. Địa danh “Từ Liêm” đã có từ lâu đời trong lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Trong cuốn “Từ Liêm huyện Lý Thiên Vương sự tích” có ghi “Lý Ông Trọng Hy Khang thiên vương Từ Liêm huyện, Từ Liêm xã nhân”. Như vậy, “Từ Liêm” còn là tên xã thời cổ của làng Thụy Phương, xã Thụy Phương ngày nay.


Huyện Từ Liêm được gọi là “Trèm”, “Tờ rem” theo tên Nôm; còn theo nghĩa Hán thì “Từ” có nghĩa là người trên thương yêu người dưới hay tình thương chung. Còn “Liêm” có nghĩa là trong sạch, ngay thẳng, không tham của người khác. Chính vì thế, “Từ Liêm” được đặt xuất phát từ niềm tin, ước vọng, lẽ sống của người quê ta từ trước và cũng là di chúc cho con cháu về sau.


Trải qua các thời kỳ lịch sử, với nhiều lần thay đổi địa giới hành chính nhưng tên gọi Từ Liêm vẫn được giữ gìn và lưu truyền từ đời này qua đời khác, đến năm 1961, huyện Từ Liêm được tái thành lập theo nghị định số 78/CP ngày 31/5/1961 của Chính Phủ.


Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Từ Liêm Nguyễn Văn Việtcũng lý giải về việc không sử dụng một số tên được nhiều người kiến nghị vì nhiều lý do như quận Mỹ Đình – quận Từ Liêm. Mỹ Đình là một xã của huyện Từ Liêm, nay lấy tên của xã Mỹ Đình để thành tên quận, dự luận chung của nhân dân các xã còn lại phía Nam lại không đồng tình với cái tên đó, dẫn đến cái tên này không thỏa đáng và không được sự thống nhất của đại đa số nhân dân.


Hay như tên quận Từ Liêm - quận Tây Thăng Long cũng không được chọn, vì dư luận cho rằng: “Thăng Long” là tên cố đô, bây giờ lại lấy để đặt tên vào trong một quận là không xứng tầm…


Việc dự kiến tên hai quận như trên đã đạt được sư đồng thuận cao của nhân dân (qua việc xin ý kiến nhân dân tại các hội nghị thôn, tổ dân phố, đại đa số cử tri, với tỷ lệ 90% đều nhất trí lấy tên quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm). Đối với tên của các phường được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã hiện tại, một số phường mới được tách ra từ xã, nhân dân đề nghị lấy tên của xã, của thôn trước đây để đặt cho phường mới.


Tên mới đúng như nguyện vọng của nhân dân


Sáng 5/12, HĐND huyện Từ Liêm khóa XVIII (nhiệm kỳ 2011 – 2016) đã tổ chức kỳ họp bất thường xem xét thông qua Nghị quyết về điều chỉnh hành chính huyện Từ Liêm để thành lập hai quận, điều chỉnh địa giới hành chính các xã, thị trấn thuộc huyện Từ Liêm để thành lập 23 phường.


Ông Trần Thanh Long – Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm khẳng định: "Trong thời gian qua, thực hiện Kế hoạch của UBND thành phố, huyện Từ Liêm đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức 270 hội nghị tại tất cả 162 thôn, tổ dân phố để xin ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh địa giới hành chính. Đã có 72.406 đại biểu đại diện hộ/87.655 hộ tham dự, đtạ tỷ lệ 82,5%; qua thảo luận, có 72.330 đại biểu đại diện hộ nhất trí với phương án đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính Từ Liêm để thành lập 2 quận và các phường, nhất trí với dự kiến tên gọi của hai quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, đạt tỷ lệ 99,9% so với số người dự họp và đạt tỷ lệ 82,5% so với tổng số hộ trong toàn huyện".


Và cũng tại kỳ họp này, 32/33 đại biểu có mặt tại đây đã biểu quyết tán thành, HĐND huyện Từ Liêm đã thông qua Nghị quyết này.




0 Response to "Lý giải cách đặt tên Bắc Từ Liêm - Nam Từ Liêm"

Post a Comment

Friends list