Những "cách học" khác nhau của sinh viên trong mỗi mùa thi


Thi mới “cày”


Đây là thực trạng chung của sinh viên hiện nay. Trong quá trình học, do kiến thức đang được giảng dạy và các bài kiểm tra chưa yêu cầu quá cao, nhiều sinh viên học hành dưới dạng “đi bộ”. Tuy nhiên, kỳ thi hết học phần đòi hỏi rất nhiều kiến thức tổng hợp của cả kỳ vì vậy sinh viên bắt đầu “cày” để cố nhồi nhét những kiến thức của cả kỳ cho kịp với ngày thi.


Câu hát “Thức trắng đêm dài những mùa thi tới” trong bài hát “Cây đàn sinh viên” phản ánh thực trạng thi cử của sinh viên từ xưa đến nay.


Hà Linh (sinh viên năm 2 đại học Kinh Tế Quốc Dân) chia sẻ: “Vì học dồn kiến thức của cả kỳ, nên gần như mấy ngày trước kỳ thi mình không hề ngủ, thi xong sức khỏe suy nhược, cảm giác mệt mỏi, mình có thể lăn ra ngủ cả ngày để lấy lại sức.”


Minh Tâm (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) hài hước nói: “Mình học khoa Triết nên toàn môn học thuộc, vì sợ học trước lại quên mất nên đợi đến sát ngày thi mới học cho ngấm.”


Thời điểm sát ngày thi, thư viện các trường đại học, cao đẳng đều chật kín sinh viên đến ôn bài. Trong khi ngày thường, sinh viên dường như vắng bóng.


Không học được, thì dùng phương pháp khác


Do học dồn kiến thức của cả kỳ, nhiều sinh viên cảm thấy loạn và khó ghi nhớ do phải cố nhồi nhét các kiến thức trong một thời gian ngắn. Nhiều sinh viên đã tìm cách gian lận, nhằm đạt thành tích khả quan hơn trong kỳ thi cuối kỳ.


Theo chia sẻ của chị Hương, chủ một hiệu photocopy gần Học viện Báo chí & Tuyên truyền, cửa hàng chị có bán tất cả các loại “phao” thi của tất cả các môn, các loại phao in chữ nhỏ, được bổ sung, cập nhật qua từng năm. Và thời điểm sát ngày thi, cửa hàng lúc nào cũng chật kín sinh viên đến photo phao. Sinh viên khóa trước truyền tay sinh viên khóa sau những bí kíp gian lận trong thi cử. Tất cả hình thành nên tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận sinh viên lười biếng.


Những "cách học" khác nhau của sinh viên trong mỗi mùa thi 1


Một bộ phận không nhỏ sinh viên trước mùa thi lại chọn cách khác, đó là “đi” thầy. Dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng hiện tượng “đi” thầy trở nên phổ biến và gần như đã trở thành tiền lệ trong các trường đại học. Mỗi kỳ thi đến, nhiều sinh viên đi theo nhóm hay đi riêng đến thăm thầy với mục đích có kết quả khả quan hơn trong kỳ thi sắp tới.


Thu Trang (sinh viên đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Trường tớ có cô X, dạy môn Y, nghe các khóa trước nói, nếu không “đi” thì sẽ bị "tạch", nên lớp tớ đã góp tiền đến thăm cô trước cho chắc ăn”.


Anh Tùng (sinh viên năm cuối trường Đại học Công đoàn) sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm: “Quan trọng là mình phải có “mối quan hệ” với thầy dạy từ trước, tạo lập mối quan hệ từ trước bằng cách chịu khó đến thăm thầy, gọi điện hỏi thăm thầy. Sau lúc gần thi, đến nhà thầy nói chuyện, đưa quà, kiểu gì cũng xuôi.”


Tình trạng “đi” thầy cô, gian lận trong thi cử dẫn đến sự đánh giá về lực học của các sinh viên không chính xác và không thực chất. Vì vậy, dẫn đến tình trạng, nhiều sinh viên điểm cao nhưng ra trường không làm được việc.


Thời gian chuẩn bị ôn tập cho những môn thi trước kỳ thi là những tháng ngày vất vả, căng thẳng, mệt mỏi trong quãng đời sinh viên. Nhưng điều mà sinh viên cũng cần chuẩn bị đó là: lòng tự trọng. Lòng tự trọng để không gian lận, không “đi” thầy cô, để chấp nhận kết quả tương xứng với sức học của mình. Lòng tự trọng sẽ khiến sinh viên dành điểm cao và kết quả tốt không chỉ trên giấy, trên bảng điểm của nhà trường gửi về.




0 Response to "Những "cách học" khác nhau của sinh viên trong mỗi mùa thi"

Post a Comment

Friends list