Phía sau sự phẫn nộ dành cho hai bảo mẫu hành hạ dã man trẻ mầm non

Ngày 17/12, những hình ảnh, clip hai bảo mẫu ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (TP HCM) hành hạ, đánh đập dã man các cháu nhỏ được báo chí đăng tải đã khiến dư luận bàng hoàng, đau đớn và phẫn nộ. Ngay trong chiều cùng ngày, công an quận Thủ Đức đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam hai bảo mẫu trong vụ việc này là Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý về hành vi “hành hạ người khác”.

Không cần phải bàn cãi về sự dã man, tàn ác trong hành vi bạo hành trẻ em của hai người mang danh bảo mẫu kia. Những hình ảnh ám ảnh cùng sự giận dữ của dư luận đã nói lên tất cả.


Nhưng, cùng trong ngày hôm qua, khi hai đối tượng trên đã bị cơ quan công an bắt tạm giam, một hình ảnh khác cũng đã tạo ra sự tranh cãi giữa nhiều người trên mạng. Đó là cảnh hai bảo mẫu Phương và Lý đứng dựa sát vào tường, vây xung quanh họ là hàng chục người đang giơ máy ảnh lên chụp với nhiều biểu cảm khác nhau, có người còn đứng hẳn lên bàn để chụp ảnh với vẻ mặt tươi cười.


Phía sau sự phẫn nộ dành cho hai bảo mẫu hành hạ dã man trẻ mầm non 1

Hình ảnh xuất hiện trên mạng đang gây tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều.




Người ta tranh cãi nhau rằng đối xử như vậy với hai bảo mẫu Phương và Lý có hợp tình, hợp lý hay không?

Trong số những người đang phẫn nộ về hành vi tàn ác của hai bảo mẫu Phương và Lý, một số người bày tỏ sự trăn trở khi xem hình ảnh trên.


“Hình ảnh ám ảnh tôi nhất trong hôm nay không phải là hình ảnh hai bảo mẫu hành hạ các bé, mà lại là hình ảnh hai người này đứng dựa lưng vào tường, cúi mặt trước một loạt ống kính của các phóng viên. Tôi không nghĩ rằng họ có thể đứng vững được như thế!”, một Facebooker hoạt động trong lĩnh vực báo chí viết trên trang cá nhân.


Một nhà văn, cũng trên trang cá nhân, thì cho rằng, “dù rất phẫn nộ, dù họ đã bị công an bắt thì họ vẫn được quyền hưởng những quyền tối thiểu của một con người khi chưa bị kết án”.


Nhưng, rất nhiều người cho rằng, làm như vậy là đúng, là đáng bởi hai kẻ đang đứng cúi đầu dựa vào tường kia, với những gì đã làm, không xứng đáng là con người, mà là “giống súc vật”. “Đối với những kẻ mất nhân tính, quỷ dữ đội lốt người, khốn nạn… kia thì không cần phải đối xử với chúng như với con người, chụp rõ cái bản mặt tàn ác của chúng để mọi người cùng thấy thì không có gì là nhẫn tâm cả”, đám đông trong cơn giận nữ vẫn đang sôi sục lên tiếng về bức ảnh trên.


Báo chí đã làm tốt nhiệm vụ của mình khi phát hiện và công khai một vụ việc tiêu cực, đã đấu tranh mạnh mẽ với cái ác để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, bớt đi được những vụ việc đau lòng tương tự. “Nhưng việc báo chí quá hăng thông tin,... xúm xít chụp ảnh, đưa ảnh ào ào là hành động xấu, không nhân văn và cũng không phù hợp với quy định của pháp luật. Và nhà báo (đứng trên bàn) rạng rỡ cười khi chụp ảnh nói lên điều gì đây?” như lời nhà văn ở trên chia sẻ.


Trong cơn giận dữ, đôi khi chúng ta vượt quá giới hạn cho phép. Chúng ta vẫn hô hào hàng ngày là phải sống và làm việc theo pháp luật. Nhưng không ít lần, chúng ta hành động không giống như những gì chúng ta vẫn hô hào mình hướng tới.


Hai bảo mẫu Phương và Lý có hành vi vi phạm pháp luật, họ đã và sẽ bị xử lý theo đúng quy định. Nhưng mục đích cuối cùng, cao cả nhất khi xử lý những người phạm tội là để họ nhận ra lầm lỗi, đưa họ trở lại con đường sống lương thiện, chứ không phải để vùi dập, để dồn họ vào bước đường cùng.


Đám đông phẫn nộ lại cho rằng, “ông phải ở vào hoàn cảnh có con cái bị đánh đập, hành hạ như vậy thì ông mới đau xót, mới hiểu được, mới thấy rằng làm như vậy với hai bảo mẫu tàn ác là điều dễ hiểu, không có gì là quá đáng”.


Đúng, điều đó không sai! Nhìn cảnh những đứa trẻ bé bỏng bị bóp cổ, gí đầu, tát vào mặt… những người dưng không quen biết còn thấy đau đớn, xót xa, thì chắc chắn không gì có thể diễn tả hết nỗi đau, sự tức giận của bố mẹ các em bé trên khi thấy con mình bị hành hạ dã man.


Nhưng có ai đó, trong một phút bình tâm, tỉnh táo lại sau cơn giận dữ, nhận ra hay nghĩ tới gia đình, người thân của hai bảo mẫu sẽ ê chề như thế nào khi thấy hình ảnh họ tràn ngập trên các mặt báo. Bảo mẫu Lý còn rất trẻ, tương lai của cô ta sẽ chấm dứt tại đây? Bố mẹ cô có còn dám ngẩng đầu khi bước ra khỏi cửa? Tương tự, con cái của bảo mẫu Phương có bị ám ảnh khi xem hình ảnh, đọc những thông tin người ta đang chửi rủa, thậm chí là đòi giết mẹ mình?


Chẳng cần đợi đến tương lai xa xôi, ngay sau khi vụ việc bị phanh phui, hai người chị gái của bảo mẫu Phương đã bị người ta xúm vào chửi bới, miệt thị, quán ăn nhỏ mưu sinh của họ cũng chẳng ai thèm tới ăn nữa.


“Tội hành hạ các bé nếu xử lý hình sự, nặng lắm cũng chỉ 2 - 3 năm tù, nhẹ thì có thể được hưởng án treo. Án tù không nặng, nhưng bản án mà dư luận ném vào họ thì khó có hình phạt nào bì kịp. Rồi đây, họ sẽ phải đối diện với những khủng hoảng, những miệt thị, những ám ảnh, xấu hổ và hối hận. Đau đớn hơn là cảm giác làm liên lụy đến gia đình mình, đến con cái mình, và thậm chí là xấu hổ với chính những người thân của mình. Đó mới chính là bản án nặng nề nhất”, một Facebooker phân tích.


Người viết bài này nhớ đến những vụ kẻ ăn trộm chó bị người dân bắt được và đánh hội đồng đến chết xảy ra liên tục trong thời gian qua. Vì bị mất con chó có giá trị vài trăm nghìn, có thể còn là người bạn thân thiết như người ta vẫn nói, nhiều người dân đã xúm vào đánh chết tên trộm. Đau xót hơn, có trường hợp kẻ trộm chó bị đánh thương tích nhưng người dân nhất định không cho công an và gia đình họ đưa đi cấp cứu, dẫn đến cái chết tức tưởi. Hình ảnh người cha kẻ trộm chó đau đớn nhìn con trai chết trước mặt mình vì không được đưa đi cấp cứu kịp thời do người mất chó chặn đường, mặc cả đòi bồi thường, chắc hẳn khiến không ít người day dứt.


Qua các vụ việc “mạng người đổi mạng chó” như trên, nhiều người đã phải lên tiếng cảnh tỉnh về tình trạng người dân coi thường pháp luật. Khi mà người dân thích tự xử, thích vừa làm quan tòa vừa làm đồ tể, thích dùng cái ác, cái sai để trừng trị cái ác, cái sai khác sẽ ra sao?


Hai bảo mẫu kia phạm tội và sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Nhưng sau khi ra tù (nếu có), thì họ vẫn còn cuộc sống, còn gia đình của họ. Ai không mong những người lầm lỡ trong xã hội này sẽ thay đổi để hướng tới cuộc sống lương thiện?


Xin kết lại bài viết này bằng đôi dòng của nhà văn đã nhắc tới ở trên:


“Tiêu diệt cái ác chính bằng sự lương thiện, chính bằng điều tốt đẹp, giáo dục người xấu bằng tấm lòng, bằng sự bao dung chứ không phải lao vào người phạm tội xâu xé đủ kiểu như thế.


Đừng lấy cái xấu để mong đè bẹp cái xấu hơn!”.




0 Response to "Phía sau sự phẫn nộ dành cho hai bảo mẫu hành hạ dã man trẻ mầm non"

Post a Comment

Friends list