Tình yêu thể hình trong Mách dường như đã nguội lạnh bởi showbiz, âm nhạc đã kịp “cướp” đi một Phạm Văn Mách trong thể thao.
Phạm Văn Mách và nụ cười… thua cuộc
Khi các trọng tài môn thể hình công bố cái tên Phạm Văn Mách của Việt Nam chỉ đoạt HCĐ ở trung tâm thi đấu Myanmar Convention, thua lực sĩ người Thái Lan và Myanmar, người ta không thấy bất kỳ một nét buồn bã, ngạc nhiên nào trên khuôn mặt của Mách. Thậm chí anh cười, cười rất tươi như thể anh đang đứng với... Văn Mai Hương để nghe nhận xét của giám khảo trong gameshow Cặp đôi hoàn hảo vậy.
Phạm Văn Mách và Văn Mai Hương tại gameshow Cặp đôi hoàn hảo.
Tại sao Mách không buồn? Tại sao anh không vùng vằng nhảy dựng lên để kiện cáo trọng tài, kiện cáo ban tổ chức, khi dường như anh bị BTC chơi xấu?
Mách có bảng vàng thành tích thật rực rỡ: 3 HCV thế giới, 8 lần đoạt HCV Châu Á và trong số các lực sĩ thể hình thi ở SEA Games, Mách là một người đặc biệt với thành tích có một không hai ấy. Tất cả hồi hộp chờ bài thi của Mách, không phải vì khả năng đoạt HCV của anh mà phần thi của Mách bao giờ cũng đặc biệt với sự kết hợp giữa âm nhạc và các động tác khoe hình thể.
Còn nhớ, cách đây 8 năm, tại nhà thi đấu thể hình ở thủ đô Manila, Philippines, đến bài thi của Mách, cả khán phòng và BGK đứng bật cả dậy, ngỡ ngàng. Phạm Văn Mách trên nền nhạc của siêu phẩm Dangerous đã có một bài biểu diễn như chính anh đang nhảy cùng Michael Jackson vậy. Rất mềm dẻo, rất dứt khoát và đầy chất nghệ thuật. Tất nhiên, với bài biểu diễn ấy, Mách có HCV tuyệt đối.
Nhưng ở SEA Games này, khi tên Mách xướng lên, Mách chuẩn bị bước ra bục biểu diễn thì… nhạc nền bị sai. Bản nhạc BTC định dùng không phải là bản nhạc Mách chọn. Tất nhiên Mách bị ảnh hưởng tâm lý cho đến khi BTC “sửa sai”, dù đã muộn.
HCB thế giới chỉ nhận HCĐ SEA Games! Nghịch lý! Nhưng với Mách thì không. So với bài biểu diễn mà anh đặt hết tâm trí, tình yêu để kết hợp giữa âm nhạc và thể hình cách đây 8 năm tại Manila, nay đã không còn nữa rồi. Mách đến với SEA Games như một nghĩa vụ, đối với anh có HCV thì tốt, HCĐ cũng được mà không có huy chương nào cũng chẳng sao.
Mách cười rất tươi dù là nụ cười... thua cuộc. Đây là SEA Games cuối cùng của anh.
“Hững hờ có khi lại là tốt”?
Thực ra, đồng đội bảo, Mách với lòng tự trọng nghề nghiệp cũng muốn có chiếc HCV SEA Games cuối cùng. Thế nhưng, sự cố sai nhạc đúng là ảnh hưởng tới Mách quá nhiều. Sự nhạy cảm với âm nhạc từng giúp Mách thăng hoa, giờ lại quay sang hại anh. Mất hứng thú và không còn cảm xúc, con người nghệ sĩ - lực sĩ trong Mách trở nên đơn điệu, khô cứng trong nền nhạc lạc điệu.
Có lẽ bây giờ với Phạm Văn Mách, tâm trí anh không còn tập trung hết cỡ để làm căng cứng từng sợi cơ khi đứng trên bục biểu diễn. Lửa nghề trong Mách đã tắt, từ khá lâu rồi, như anh từng thừa nhận. Theo thời gian, tính đến nay, Phạm Văn Mách có hơn 20 năm tập thể hình và 15 năm đứng trình diễn. Thời gian ấy như một thứ axít ăn mòn cảm giác và tình yêu trong anh. Thậm chí, anh sợ cảm giác thi đấu vì nếu đoạt vàng, nó gần như là đương nhiên phải thế, còn nếu chỉ bạc hay đồng thì có thể sẽ nhận chỉ trích.
Mách thi đấu không thành công tại SEA Games 27.
Mách thừa nhận, ngoài thể hình, anh còn phải học nốt chương trình đang theo dở ở ĐH Hồng Bàng, chăm lo phòng tập của mình và dự tính cho ra đời một số sản phẩm âm nhạc.
“Tôi luôn dành tình yêu cho âm nhạc” - Mách nói như vậy không phải vì âm nhạc đã giúp Mách thăng hoa trong vai trò là một lực sĩ biểu diễn. Đơn giản tình yêu ấy đã và luôn tồn tại ở trong anh.
Mách đã có dịp thể hiện tình yêu ấy bằng một dịp hiếm có khi anh nhận lời tham dự chương trình Cặp đôi hoàn hảo năm 2011 cùng Á quân Idol Văn Mai Hương. Khán giả xem truyền hình lúc đầu thấy Mách tham gia một chương trình giải trí thấy ngồ ngộ: Một anh chàng không lấy gì làm điển trai, kể cả về... thể hình, và thế mạnh duy nhất chỉ là những khối cơ cuồn cuộn thì có thể làm gì đây?
Và họ đã nổi gai ốc khi nghe Mách hát Careless Whisper của George Michael cùng Văn Mai Hương. Careless Whisper có thể dịch là “Lời thì thầm vụng về”. Với Mách, tình yêu âm nhạc của anh trước đây đúng chỉ là một “lời thì thầm vụng về” và anh đã có cơ hội để bước từ sàn đấu thể hình sang sàn diễn ca nhạc.
Lời thì thầm cùng sự vụng về của Mách với showbiz Việt hóa ra lại là những điểm cộng mà người xem dành cho Mách. Mách thành công và cũng là lúc anh hiểu rằng, ngoài thể hình, anh còn có những khả năng khác, những đam mê khác và có thể cống hiến theo cách khác thay vì chỉ là một lực sĩ thể hình.
Điều ngạc nhiên là ở chính SEA Games 27, bản nhạc mà Mách chọn để thi (và BTC chọn nhầm) lại chính là... Careless Whisper. Một lần nữa, Mách phải vụng về, phải thì thầm để nói rằng anh đã cạn tình yêu với thể hình. “Thời gian không thể nào trở lại/Lời vụng về nơi bạn tri âm/Gửi đến con tim và tâm hồn /Hững hờ có khi lại là tốt/Hơn cả sự thật lắm phũ phàng/Sau những điều em từng trông thấy/Mọi điều xen lẫn nỗi đắng cay...” Đó là Wham, là George Michael hay của chính Phạm Văn Mách?
Sau SEA Games này, có thể Mách sẽ không đứng trên bục thể hình nữa. Anh sẽ bận với các dự án của mình vì anh tin anh có thể làm được những điều khác. Từ Cặp đôi hoàn hảo, Mách đã có dịp làm giàu thêm những trải nghiệm của mình tại Bước nhảy hoàn vũ, được đóng phim, được mời lên sân khấu với tư cách là một ca sĩ - chứ không phải là lực sĩ và tới đây là những dự án âm nhạc khác.
Mách có thể đã chọn sân khấu khác cho mình. Anh có quyền được tôn trọng bởi quyết định ấy, thay vì bị chỉ trích. Dù với rất nhiều người yêu thể thao, họ có thể “hờn trách” anh, hoặc… showbiz, vì cái “tội” đã cướp Mách của họ đi rồi...
0 Response to "Showbiz đã "cướp" lực sĩ Phạm Văn Mách"
Post a Comment