Bật ngửa với phòng tập và lớp học


Sacha Naigard - một sinh viên Pháp đã đến Mỹ học trong vòng một năm. Khu kí túc xá của ĐH Boston chính là nơi anh đã có được những trải nghiệm thú vị và có phần lạ lẫm, theo cách nhìn của một sinh viên nước ngoài như anh. Sacha đã kể lại một số chi tiết khác thường giữa cách sống, cách cảm nhận và cách sinh hoạt khác nhau của giới sinh viên cách nhau hai bờ Đại Tây Dương.


Người Mỹ đúng là đã làm được nhiều điều tuyệt vời. Các khu trường đại học của họ được xây hoành tráng không khác gì những cung điện nguy nga, diễm lệ. Rất sạch sẽ và rất thoải mái. Tôi mà có được một cơ ngơi như trường đại học Mỹ tại Pháp thì có lẽ tôi đã trở thành sinh viên ưu tú nhất từ lâu rồi.


La liệt protein trong căn tin


Tôi dạo vòng quanh khu kí túc xá, phải lội bộ những 35 phút mà tôi vẫn chưa tham quan được hết phân nửa khu đại học này. Tôi dừng chân trước một tòa nhà còn mới toanh, rộng rãi và đồ sộ, trong đó chật ních người. Đó là khu nhà tập thể dục, vốn đã ngốn số tiền “nhỏ mọn” là 23 triệu USD (~486 tỷ VNĐ)! Nhưng chú ý: bước chân vào một phòng tập thể dục tại Mỹ có thể rất nguy hiểm đối với người Pháp đấy! Tôi phát hiện ra ở đây có hàng trăm sinh viên cơ bắp cuồn cuộn y như những Người khổng lồ xanh Hulk và đầy tự tin như những Superman, đang miệt mài tập luyện. Việc luyện tập cơ bắp là rất phổ biến ở đây, bởi ai cũng muốn ta là người khỏe nhất. Nhìn thấy khung cảnh này, tôi mặc cảm đầy mình, rồi cảm thấy mình thô kệch, nhỏ bé và mệt mỏi. Trên một diện tích hơn 3.000 m2 và bốn tầng lầu với một bể bơi, ba sân bóng rổ, một sân bóng đá, 100 máy tập thể lực, một phòng tập võ thuật, một đường chạy việt dã và một... khu căn tin rộng lớn!


Bật ngửa với phòng tập và lớp học 1


Với cơ ngơi nguy nga và hoành tráng như ĐH Boston, thậm chí một sinh viên lười biếng nhất có lẽ cũng phải ráng thức dậy sớm để được… đi học.


Trước tiên, tôi quyết định bước vào khu căn tin sau khi lách mình qua những dãy người khổng lồ đang hì hục tập luyện và những cô gái đang ưỡn ẹo vòng mông trên các máy tập. Tôi đến trước một quầy hàng và kêu một “smoothie” (sinh tố đặc) trong số 36 loại nước quả ép khác nhau. Cô phục vụ bỗng buông ra một câu hỏi khá là kỳ quặc: “Anh dùng loại có protein hay không có protein?”. Tôi chẳng hiểu mô tê gì cả nhưng tại quầy cũng có để một tập sách lớn giới thiệu tất cả các loại protein mà người bán sẽ cho thêm vào nước ép quả tùy theo yêu cầu của người mua. Có những loại protein giúp căng cơ, có loại giúp phục hồi nhanh thể lực, có loại chống mệt mỏi,... và... Vậy, có loại nào giúp tôi có ngay được các khối cơ bắp cuồn cuộn không? Ôi chao, thích quá, thích quá! Tôi gọi hai phần protein giúp tăng nhanh cơ bắp. Than ôi, sau đó tôi mới được biết rằng nếu bạn không miệt mài tập luyện liên tục trong ba giờ liền thì các protein đó cũng sẽ chẳng có tác dụng gì!


Thi mà chẳng cần giám thị


18 giờ là lúc mà người Mỹ sắp ăn tối thì tôi có tiết học đầu tiên. Lớp học tập hợp sinh viên đến từ rất nhiều nước. Tôi thích sự đa dạng văn hóa như thế. Các sinh viên người Mỹ tay thì cầm nón, tay thì cầm thức ăn. Ở Pháp, sinh viên phải để nón bên ngoài nhưng tại Mỹ, giáo sư cho rằng mang nón hay mang sandwich vào phòng học cũng không ảnh hưởng gì đến tiết học. Tôi thấy họ cũng có lý, bởi thực tế ít có sinh viên nước nào học chăm chỉ như sinh viên Mỹ. Sinh viên Mỹ luôn làm bài, nộp bài đúng giờ, luôn chú ý nghe giảng, năng động và nhất là không bao giờ nói chuyện trong lớp. Sinh viên Mỹ không bao giờ viết vẽ nguệch ngoạc bậy bạ lên bàn và không bao giờ trét kẹo cao su dưới ghế ngồi.


Trong lần kiểm tra đầu tiên, thầy giáo bước ra khỏi phòng và tôi nghĩ sẽ có một giám thị bước vào nhưng không có ai vào trông thi cả. Việc gian lận trong thi cử là khá xa lạ đối với sinh viên Mỹ. Đây cũng là một điều mới mẻ mà tôi được biết. Thế cho nên chỉ ít phút sau khi thầy ra khỏi lớp, tất cả sinh viên người Pháp và Tây Ban Nha (đương nhiên là trong đó có tôi) đều đã lấy iPhone ra truy cập Internet để tìm bài giải!




0 Response to "Bật ngửa với phòng tập và lớp học"

Post a Comment

Friends list