Trẻ em chắc chắn chưa biết tiêu xài tiền như người lớn. Đúng! Nhưng không có nghĩa là chúng không biết buồn khi không được bằng bạn, bằng bè. Nỗi buồn đó không phải vì chúng “ham tiền”, không phải vì chúng không biết tận hưởng niềm vui của việc được người lớn lì xì, mà chỉ vì những kiểu tị nạnh hờn dỗi của trẻ con mà thôi.
Những đứa trẻ có quyền buồn khi thấy bạn bè được nhiều bao lì xì quá, hoặc bạn kia được phong bao đẹp quá, bạn kia có hẳn một bao tiền đô do khách của bố mẹ lì xì cho, thích thế… Chúng sẽ hờn dỗi một tí ngay lúc đó, nhưng rồi những đứa trẻ sẽ không để bụng chuyện đó nữa mà lại vẫn vui vẻ chơi đùa với nhau bình thường. Trong khi chúng ta cứ thấy con cái nhà ai thắc mắc ngây thơ hỏi sao chú này, cô kia lì xì con ít thế, thì lại phán ngay ba mẹ không biết… dạy con!
Hãy đơn giản mọi chuyện đi, bọn trẻ chỉ hỏi ngây ngô thôi mà. Bậc làm cha, làm mẹ vẫn có thể nhẹ nhàng nói với con, “À, vì con còn nhỏ”, hoặc “Vì cô/ chú phải lì xì cho thật nhiều trẻ con khác nữa, con ạ”. Cứ để bọn trẻ thắc mắc và được người lớn giải đáp thỏa đáng là được mà.
"Trẻ con cũng có quyền được tị nạnh, hờn dỗi khi tiền lì xì không bằng những người bạn cùng trang lứa chứ?" - (Ảnh minh họa).
Gia đình mình có rất nhiều trẻ con, mình có đến 9 đứa em con nhà cô, nhà cậu từ 7 -13 tuổi, 3 đứa cháu nhỏ từ 4-8 tuổi. Năm ngoái, người yêu mình về quê chơi, hỏi mình nên lì xì cho ông bà, ba mẹ và những đứa cháu như thế nào. Anh ấy vừa ra trường và đi làm được 2 năm, lương cũng khá nhưng mình biết anh cũng có nhiều khoản phải lo cho gia đình. Nên lúc anh “đề xuất”: hay cho mỗi nhóc 10 nghìn nhé, mình cũng không lấy làm lạ, nhưng mình vẫn góp ý thẳng thắn: “Nói thật với anh, ở nhà em, ba mẹ hoặc khách khứa đến toàn lì xì bọn nhóc 50 nghìn, đứa nào học cấp 2 thì 100 nghìn là ít. Nên hoặc là anh không lì xì mà đi mua bánh kẹo phát đều cho bọn trẻ, hoặc là cho bọn nó ít nhất 50 nghìn để chúng không… thắc mắc và so bì”.
Người yêu mình vẫn vui vẻ và nói để anh ấy bỏ phong bao 50 nghìn đều hết cho mỗi bé. Anh nói thẳng vì chưa bao giờ lì xì trẻ con nhiều như thế nên không biết. Nếu như anh vẫn kiên quyết chỉ lì xì 10 nghìn, mình vẫn chấp nhận và có thể giải thích cho từng đứa em, đứa cháu trong nhà rằng người yêu chị không phải là người kiếm được nhiều tiền, nhưng mình biết anh không muốn mình làm thế và bản thân mình cũng không muốn những đứa nhóc mất vui.
Có lẽ mỗi hoàn cảnh, gia đình, và mỗi đứa trẻ sinh ra trong môi trường khác nhau sẽ có nhận thức khác nhau, những đứa em nhà mình vốn quen với việc ông bà cha mẹ luôn lì xì cho chúng từ 50 -100 nghìn là tối thiểu, nên không thể trách bọn chúng hụt hẫng khi nhận được những phong bao chỉ có 5, 10 nghìn được. Nó cũng giống như việc mỗi năm đến ngày sinh nhật, một đứa trẻ luôn nhận được bánh kem to đùng nhưng đến một năm lại có người tặng cho nó một chiếc cupcake chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay.
Còn bản thân mình và bạn bè, nói thật, đến thời buổi này ai cũng sẽ quan tâm đến tiền lì xì và tỉ mẩn ngồi đếm lại hết. Mỗi năm chỉ có một dịp được nhận tiền từ ông bà, cha mẹ để có thể thỏa thích đi chơi cùng bạn bè, mua quần áo mới, sắm sửa ba lô, túi xách đi học mà không phải chìa tay xin tiền mỗi buổi sáng rồi nhận được cái cau mày của mẹ như: "Mới xin hôm kia mà hôm nay đã xin, tiêu tiền gì lắm thế!"
Mình thừa nhận mình quan tâm đến số tiền trong bao lì xì của mỗi vị khách đến nhà chơi. Bạn có hiểu cảm giác một người bạn của bố, đến ăn nhậu từ sáng đến tối, rải hạt dưa đầy nhà, bắt mình và mẹ phục vụ hết món này đến món khác rồi lúc về cho mình một phong bao lì xì chỉ có 20 nghìn? Trong khi mình đã là sinh viên chứ không phải một đứa nhóc chập chững tập đi trong nhà. Hay như Tết đến, cô dì chú bác trong nhà ai cũng mừng tuổi cho ông bà mỗi người 300 - 500 nghìn, thậm chí cả triệu, thì một ông chú làm ăn buôn bán khấm khá nhất, gia đình có cơ ngơi nhất lại mừng tuổi đấng sinh thành số tiền ít ỏi 100 nghìn thì có thể hiện được sự tôn trọng, lễ nghĩa và đúng với đạo làm con chưa?
Các bạn nói mình thực dụng cũng được, nhưng mình nghĩ cái gì cũng thế, ngoài ý nghĩa may mắn, thì việc lì xì, mừng tuổi trong một số hoàn cảnh phải thể hiện sự tinh tế nữa chứ!
Bạn có suy nghĩ gì về quan điểm của tác giả hay với bạn, phong tục lì xì trong cuộc sống hiện đại đã bị "thương mại hóa" thế nào? Hãy gửi bài viết của bạn về email xahoi@kenh14.vn hoặc click vào nút Gửi bài viết trên Kênh14.vn để chia sẻ quan điểm của chính mình. |
“Nói thật là mình cũng quan tâm đến giá trị số tiền trong phong bao lì xì”
0 Response to "“Nói thật là mình cũng quan tâm đến giá trị số tiền trong phong bao lì xì”"
Post a Comment