Một gia đình đốt cả trăm triệu đồng vào... vàng mã


Trước Tết, trong Tết, vàng mã được đốt, ma chay, giỗ tiệc, rằm, đặc biệt rằm tháng giêng... lại càng đốt nhiều hơn.


Sư thầy Thích Phước Niệm, giám tự, ủy viên Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, kể mình đã từng chứng kiến một gia đình mua giấy tiền vàng mã đến hơn 100 triệu đồng với đủ loại hình ảnh, mô hình.



Đốt rất nhiều vàng mã trong các dịp cúng tế trở thành thói quen của nhiều người VN hiện nay.


Không chỉ là giấy tiền, nhiều người còn chọn những mô hình rất “hoành tráng” như nhà lầu, xe hơi, ngân hàng, máy ATM, điện thoại đời mới… để đốt trong những dịp cúng bái, cầu an, cầu may.


“Tôi có nói là số tiền mua mô hình nhà, mô hình xe… thì có thể dùng để làm từ thiện, giúp đỡ người khác”, sư thầy Thích Phước Niệm kể.


Phung phí một cách vô lý


Chia sẻ điều này, bạn Phạm Thanh Tùng cho rằng “đốt vàng mã là tập tục không nên có vì nó vừa lãng phí bao nhiêu tiền của cho xã hội, làm ô nhiễm môi trường, gây cháy nổ ở những nơi thờ cúng, mất mỹ quan trong các chốn đền, chùa”.


Hồng Diễm (Phú Yên) thì cho rằng việc đốt giấy tiền vàng mã là để tưởng nhớ đến những người thân đã khuất và đó là điều bình thường, từ xưa đến giờ mọi người vẫn làm vậy.


Tuy nhiên, Hồng Diễm cũng nói thêm rằng không nên đốt những thứ như mô hình nhà lầu, xe hơi… và cũng không nên chi tiêu quá nhiều tiền vào việc này. “Chưa kể việc đốt nhiều giấy tiền vàng mã cũng có thể là nguy cơ gây hỏa hoạn”, Diễm nói.


Bạn Minh Tuấn thì cho rằng việc đốt giấy tiền vàng mã là rất “mâu thuẫn” vì “luôn cầu mong cho người thân đã mất sớm siêu thăng tịnh độ, nhưng mặt khác lại cứ cung ứng tiền vàng mã, đôla âm phủ, rồi hình tượng nhà lầu, ôtô, điện thoại đời mới..., thậm chí cả nhân tình xuống âm phủ cho người thân dùng”.



Những ông mã (ngựa giấy) có giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng.


Sư thầy Thích Phước Niệm cũng khẳng định việc đốt giấy tiền vàng mã không tồn tại trong truyền thống nghi lễ, văn hóa Phật giáo như nhiều người lầm tưởng. “Giấy tiền vàng mã thuộc về văn hóa dân gian Trung Hoa. Nếu có thể thì nên đốt ít lại, không đốt thì càng tốt”, thầy Thích Phước Niệm nói.


Một sư cô giám tự ở quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết đốt giấy tiền vàng mã là việc “phung phí của một cách vô lý”.


Kiểu mê tín thời đại mới


Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa phân tích: Ngoài những hình thức vàng bạc, giấy tiền, vàng mã, ngày nay còn có xe hơi, nhà lầu, ngân phiếu, đôla… Những loại vàng mã này được sử dụng tràn lan trong các lễ hội, trở thành một hình thức mê tín trong thời đại mới.


Theo TS Nguyễn Ngọc Thơ - phó trưởng khoa văn hóa học đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, người dân sử dụng giấy tiền vàng mã như một kênh để chuyển tải đức tin, lòng thành kính và chữ hiếu của mình đối với ông bà, cha mẹ và những người đã khuất.


TS Nguyễn Ngọc Thơ cũng khuyến cáo rằng dù có ý nghĩa về mặt tâm linh và sự thiêng liêng nhưng cũng nên “đốt ít thôi vì lợi bất cập hại”. Việc sử dụng vàng mã với những hình thức như xe hơi, nhà lầu, máy ATM…, theo ông Thơ đó là sự biến tướng và là những biểu hiện của chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa vật chất.


“Khi cuộc sống biến đổi, nhiều người nghĩ rằng kiếp sống này mình được hưởng thụ cái gì thì kiếp sống khác cũng như vậy. Thậm chí có người còn đốt luôn cả mô hình một ngân hàng, thẻ ATM… Không biết sau này họ còn đốt thêm cái gì nữa”, TS Nguyễn Ngọc Thơ bày tỏ.


TS Nguyễn Ngọc Thơ đưa ra ví dụ ông bà ta ngày xưa đốt hình ảnh con cá chép vào ngày 23 tháng Chạp nhưng ngày nay nhiều người lại đốt xe hơi. “Như vậy không còn là văn hóa nữa”, ông Thơ nói.


Hiện tượng này suy cho cùng là sự xuống cấp về mặt văn hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.


Ông Hoa cho rằng những người thu nhập càng cao, càng bất chính và bấp bênh thì càng sử dụng vàng mã nhiều như một sự cầu an.


“Quan trọng nhất là phải chấn hưng văn hóa bằng nhiều hình thái. Tôi thấy rất tiếc là hiện nay không có môn văn minh Việt Nam trong trường phổ thông”, ông Hoa kết luận.


“Ông bà ta đã đúc kết thành kinh nghiệm là cái gì vừa đủ, vừa phải thì sẽ có ý nghĩa, cái gì thái quá sẽ mất đi ý nghĩa và biến tướng ý nghĩa thì lại càng nguy hiểm”, TS Nguyễn Ngọc Thơ nhận định.










ThS xã hội học Phạm Thị Thúy chia sẻ trước đây mình cũng từng đốt giấy tiền vàng mã, nhưng từ khi hiểu được ý nghĩa thật sự của việc này thì không đốt nữa.


“Từ góc độ xã hội, tôi nghĩ cần có biện pháp để hạn chế việc đốt giấy tiền vàng mã bởi việc này lãng phí tiền bạc, làm ô nhiễm môi trường, đôi khi còn mất mỹ quan đô thị”, ThS Phạm Thị Thúy nói.







Một gia đình đốt cả trăm triệu đồng vào... vàng mã

0 Response to "Một gia đình đốt cả trăm triệu đồng vào... vàng mã"

Post a Comment

Friends list