Kiếm Rồng - Sự trở lại đáng kỳ vọng của Thành Long


Thành Long từng chia sẻ với báo chí việc ông muốn chấm dứt sự nghiệp của mình để tập trung lo cho gia đình, nhưng cái duyên của ngôi sao võ thuật này với điện ảnh dường như chưa kết thúc. Với Dragon Blade (Kiếm Rồng), Thành Long đã làm cho những fan hâm mộ trên toàn thế giới thực sự phấn khích vì đây là dự án được ông ấp ủ trong gần bảy năm với kinh phí đầu tư khổng lồ. Bên cạnh đó, phim còn có sự góp mặt của hai diễn viên hạng A của Hollywood là John Cusack và Adrien Brody cùng thành viên của nhóm nhạc thần tượng Suju của Hàn Quốc - Choi Siwon.



Poster chính thức của phim


Bộ phim lấy bối cảnh vùng Tây Hán khi việc giao thương từ phương Đông sang phương Tây của 36 bộ lạc chỉ nhờ vào Con Đường Tơ Lụa. Đô đốc Hoắc An (Thành Long) cùng những người huynh đệ Đô Hộ Phủ được giao nhiệm vụ canh gác và giữ hòa bình giữa 36 bộ tộc. Tuy nhiên, trong một lần bị vu oan, Hoắc An bị đày đến Nhạn Môn Quan. Tại đây, ông đã kết thân với vị tướng La Mã Lucius (John Cusack) khi ông đang dẫn đoàn quân hộ tống hoàng tử sang phương Đông để chạy trốn âm mưu tàn ác của gã bạo chúa Tiberius (Adrien Brody) nơi quê nhà. Khi kẻ thù chung từ phương Tây kéo đến, nhóm quân đa quốc gia do Hoắc An và Lucius dẫn dắt đã đoàn kết lại sẵn sàng cho một cuộc chiến sinh tử.





Với chi phí 65 triệu USD, Kiếm Rồng được công bố là dự án có ngân sách lớn nhất trong sự nghiệp làm phim của Thành Long. Phim sử dụng bối cảnh thật ngay tại sa mạc để diễn tả sự hoành tráng của thành Nhạn Môn sau khi hoàn thành cũng như khiến những trận thư hùng ở đây trở nên hấp dẫn. Chính việc chịu chi “mạnh” để dựng bối cảnh và lo ăn ở cho đoàn làm phim gần 700 người đã ngốn của ngôi sao “Rush Hour” một khoản tiền không nhỏ. Thêm vào đó, phần quay phim cùng hiệu ứng 3D mượt mà cũng hỗ trợ không ít khi diễn tả rất chân thực cảnh đại chiến cùng quân La Mã hay những cảnh song đấu.






Trang phục của phim là một điểm nhấn đặc biệt. Thiết kế của những bộ áo giáp hay vũ khí của 36 tộc cổ đều rất đẹp mắt và tinh tế, cho thấy được sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong chi tiết. Với sự đầu tư thế này, chứng tỏ Thành Long không muốn Kiếm Rồng không đơn thuần là một phim bom tấn giải trí mà còn mang bên trong đó một thông điệp nhân văn.





Phục trang là điểm mạnh của phim ngoài những pha hành động





Thực vậy, điểm mạnh của Kiếm Rồng đến từ khía cạnh văn hóa và câu chuyện của tình bằng hữu. Bằng kịch bản được phóng tác từ sự kiện có thật trong lịch sử là việc La Mã từng có ý định chiếm con đường tơ lụa, phim đã đi sâu vào việc khai thác nét văn hóa rất riêng của những bộ tộc vốn là tiền thân của nhiều quốc gia lớn sau này như Đại Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ hay Ba Tư.





Tình anh em đồng đội trong phim cũng là chi tiết được nâng lên cao nhất trong phim. Câu chuyện đô đốc Hoắc An sẵn sàng giúp đỡ hay xả thân cứu tướng Lucius; việc các chiến binh La Mã hay huynh đệ trong Nhạn Môn Quan hết lòng bảo vệ nhau, dám đứng lên vì công lý cũng khắc họa rõ nét tấm lòng của những bậc chính nhân quân tử ngày xưa. Bên cạnh đó, tính cách của các nhân vật trong phim khá thú vị. Thành Long thực sự tròn vai với vai trò của một sứ giả hòa bình - một người vừa nghiêm túc nhưng cũng rất hài hước. Những pha hành động của Thành Long vẫn đầy chất ngẫu hứng và sáng tạo. Phân đoạn hành động khi Hoắc An quay về nhà giải cứu đám trẻ nhỏ và chiến đấu lại kẻ thù được dàn dựng công phu và đã mắt. Các diễn viên phụ như Choi Siwon và John Cusack cũng đã hoàn thành vai diễn của mình. Nhưng nhân vật ấn tượng nhất của phim thuộc về tên bạo chúa Tiberius do Adrien Brody đóng. Nam diễn viên từng đoạt một giải Oscar này đã vào vai tên bạo chúa rất thuyết phục và ấn tượng, từ ánh mắt cho đến đường kiếm của hắn đều rất lạnh lùng và dứt khoát làm người xem nổi da gà. Tiberius của Adrien Brody làm người xem gợi nhớ đến vai diễn kinh điển Commodus của Joaquin Phoenix trong siêu phẩm Gladiator (2000).




Adrien Brody trong vai Tiberius


Kiếm Rồng tách mình ra khỏi dòng phim dã sử thường thấy của Trung Quốc khi nội dung phim tập trung khắc họa tâm tư con người chứ không cố khoe khoang những cảnh chiến đấu hoành tráng và khốc liệt. Mặc dù đây là một điểm cộng của phim nhưng do cách xử lý tình huống chưa hợp lý và những nút thắt trong phim hơi vô duyên đã làm cho những phân đoạn cảm xúc có phần dài dòng và lê thê, làm người xem có cảm giác đang xem những bài diễn văn về hòa bình ở Hội nghị Liên Hợp Quốc dài gần hai tiếng rưỡi.




Kết cấu phim chưa thực sự xuất sắc


Nhìn chung, tuy có cốt truyện hơi yếu nhưng Kiếm Rồng vẫn là một bộ phim có nhiều điểm khác biệt và thú vị. Nếu xem đây là dự án để trở lại màn ảnh rộng thì Thành Long đã thành công khi đem đến cho người xem những thước phim hoành tráng với nội dung nhân văn. Hy vọng với nỗ lực và công sức bỏ ra lần này, Thành Long sẽ được đền đáp xứng đáng và tiếp tục thực hiện những bộ phim ấn tượng mà không còn phải hứa hẹn về một “bộ phim hành động cuối cùng” nào nữa. Phim bắt đầu khởi chiếu từ ngày 13/2/2015.




Kiếm Rồng - Sự trở lại đáng kỳ vọng của Thành Long

0 Response to "Kiếm Rồng - Sự trở lại đáng kỳ vọng của Thành Long"

Post a Comment

Friends list